Vạn người tham gia mua bán giun đất
Những ngày gần đây, kích điện bắt giun đất diễn ra rầm rộ tại nhiều địa phương ở nước ta, trở thành vấn nạn khiến các nhà vườn bất an, phải cầu cứu chính quyền địa phương và các bộ ngành liên quan.
Giá giun tươi được thu mua từ 70.000-80.000 đồng/kg. Một nhóm vài người đi kích điện có thể thu về 100-120kg giun mỗi đêm. Theo đó, người đi kích điện bắt giun đất có thể kiếm được tiền triệu mỗi ngày.
Giun tươi được bắt về đem bán cho các lò sấy ở ngay tại địa phương. Sau khi sấy khô, giun đất được bán cho các thương lái Trung Quốc.
Giun đất sấy khô đang được rao bán la liệt trên chợ mạng với giá vô cùng đắt đỏ (Ảnh: NVCC)
Trên “chợ mạng” hay các sàn thương mại điện tử ở nước ta, giun đất sấy khô (còn còn là địa long, trùng đất) được quảng cáo là dược liệu quý. Chúng là thành phần dùng trong nhiều bài thuốc đông y để chủ trị sốt cao bất tỉnh, đau khớp, chân tay tê bại, bán thân bất toại, trúng phong ho suyễn do phế nhiệt, cao huyết áp,...
Theo đó, giun đất sấy khô được bán với giá dao động từ 1-1,2 triệu đồng/kg, đắt nhất lên tới 1,5 triệu đồng/kg. Song, thay vì bán theo cân, để thuận lợi cho người mua về sử dụng, các đầu mối buôn bán thường chia giun đất sấy khô vào các túi nilon theo trọng lượng 100gram hoặc 0,5kg.
Tại một chợ online chuyên về giun đất tươi và khô với gần 2 vạn thành viên tham gia mua bán, nhiều người rao bán giun đất sấy khô với số lượng lớn, có thể giao hàng từ vài cân đến vài chục cân, thậm chí hàng tạ.
Giun đất khô tại chợ online này có giá dao động từ 700.000-850.000 đồng/kg tuỳ loại.
Trong vai người mua hàng, PV. VietNamNet được một chủ hàng bỏ sỉ giun đất khô ở Hoà Bình tên Bùi Tấn, cho hay, dạo gần đây mưa nhiều, đất ẩm nên dễ kích điện bắt giun. Giun tươi về được làm sạch rồi đem sấy khô luôn nên hàng đảm bảo tươi mới, chất lượng tốt nhất. Hàng có thể bảo quản trong 5 năm mà không sợ hỏng.
Để quảng bá về sản phẩm của mình, chủ hàng này còn tiết lộ nguồn hàng sẵn có đóng vào bao lớn. Anh đã xuất bán cho thương lái phía Trung Quốc hàng tấn giun, các nhà thuốc ở đông y ở nước ta cũng mua rất nhiều.
Giun đất sấy được đóng vào bao nilon lớn đổ sỉ cho các thương lái (Ảnh: NVCC)
“Có mối hỏi mua liền một lúc 2 tạ giun đất với giá 780.000 đồng/kg. Dịp gần đây, nhiều người hỏi mua nên giá giun khô có xu hướng tăng”, đầu mối này chia sẻ.
Ngoài xuất bán hàng sấy khô, trên "chợ mạng" nhiều đầu mối cũng đang tranh thủ thu mua giun đất tươi ở các tỉnh Hoà Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Giang... với giá từ 55.000-70.000 đồng/kg tuỳ loại. Các chủ hàng này khẳng định, số lượng bao nhiêu cũng gom mua hết.
Trung Quốc cũng phản đối mua giun đất kích điện
Dù có nhiều công dụng trong đông y, nhưng hành vi kích điện tận diệt giun đất cần lên án.
Theo ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), việc kích vào đất dòng điện lớn sẽ khiến giun chết, gây tác hại cho đất, hệ động vật và vi sinh vật, khiến cây trồng bị hỏng rễ và vàng lá.
“Đây là hành động cần ngăn chặn ngay”, ông nhấn mạnh và cho biết, đơn vị này và các địa phương đang tìm cách xử lý.
Không chỉ ở nước ta, tại Trung Quốc, việc kích điện tận diệt giun đất cũng bị lên án vì ảnh hưởng tới môi trường đất (Ảnh: NVCC)
Tại Trung Quốc, giun đất được sử dụng phổ biến. Việc săn bắt giun đất còn được coi là "con đường làm giàu ở nông thôn" và gọi giun đất là "vàng sinh ra ở đất quê". Song, săn giun đất bằng phương pháp kích điện gây nhiều hậu quả nghiêm trọng với đa dạng sinh học và môi trường sinh thái.
Theo các chuyên gia nông nghiệp Trung Quốc, trong thổ nhưỡng, từ động vật cho đến thực vật, vi sinh vật là một quần thể. Giun đất đóng vai trò quan trọng trong quần thể đó. Số lượng giun đất tăng lên là chỉ số cho thấy an toàn lương thực được bảo đảm. Ngoài ra, việc giun đất xuất hiện trong đồng ruộng cũng là chỉ số về an toàn trồng trọt.
Thế nên, tháng 7/2022, Bộ Nông nghiệp Nông Trung Quốc đã phối hợp cùng nhiều cơ quan liên quan tiến hành “chỉnh đốn đồng ruộng, rừng cây, hồ nước, thảo nguyên và khu bảo tồn tự nhiên”, trong đó khẳng định việc mua bán giun đất qua kích điện là bất hợp pháp.
Ở nước ta, ông Nguyễn Như Cường khẳng định, giun đất không phải động vật quý hiếm. Do đó, nếu thị trường có nhu cầu cần thực hiện các chương trình, dự án nhân nuôi quy mô lớn. Đây cũng có thể là một hướng phát triển kinh tế mới, đa dạng giá trị từ đất. Từ đó, ngăn chặn hành vi kích điện tận diệt giun đất, ảnh hưởng đến môi trường đất và cây trồng.
Theo Tâm An/Vietnamnet