Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đột biến
Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả tiếp tục bùng nổ, đạt 662 triệu USD, tăng đột biến 155,3% so với con số 259,3 triệu USD của tháng 6/2022. Trong tháng 5/2023, xuất khẩu mặt hàng này cũng đạt 656,2 triệu USD, tăng 137,7% so với tháng 5/2022.
Chỉ trong nửa đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả giúp Việt Nam thu về gần 2,7 tỷ USD, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là những con số “không tưởng”, bởi nhiều năm nay kim ngạch xuất khẩu bình quân nhóm hàng rau quả của nước ta chỉ dao động trên dưới 300 triệu USD mỗi tháng.
Trung Quốc là khách hàng lớn nhất, chiếm 65,8% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam 6 tháng đầu năm nay (cùng kỳ năm ngoái là 47,5%). Thị trường này đã chi gần 1,77 tỷ USD để mua các loại rau quả Việt, tăng 120% so với cùng kỳ 2022.
Trung Quốc chi số tiền lớn mua các loại trái cây tươi của Việt Nam (Ảnh: Mạnh Khương).
Các mặt hàng rau quả tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc như sầu riêng, xoài, mít, vải thiều, dưa hấu,... đều tăng mạnh. Đặc biệt, nửa đầu năm nay, 180.000 tấn sầu riêng Việt Nam được xuất sang Trung Quốc, trị giá 850 triệu USD, chiếm 95% kim ngạch xuất khẩu loại quả này.
Bên cạnh đó, rau quả xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Hà Lan, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất cũng đạt mức tăng trưởng cao trong nửa đầu năm 2023.
Ngoài rau quả tươi, theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2023, các sản phẩm rau quả chế biến cũng ghi nhận kim ngạch xuất khẩu tăng 24% so cùng kỳ năm ngoái, thu về 550 triệu USD.
Theo đó, nhóm rau quả chế biến tăng trưởng nhanh tại Mỹ, EU và Nhật Bản. Các sản phẩm trái cây đóng hộp, nước ép đóng chai thời gian sử dụng 1-2 năm tiếp tục được tiêu thụ tốt. Phân khúc hàng hoá này luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan, bất chấp khủng hoảng dịch bệnh và lạm phát.
Ông Trần Hoàng Hiệp, Giám đốc Công ty Thanh long Hoàng Hậu, cho biết, thị trường xuất khẩu đang sôi động. Đến nay, sản lượng xuất khẩu tăng 30-40%, doanh số tăng 60% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài Trung Quốc, rau quả xuất khẩu sang các thị trường khác như Mỹ, Úc và EU đều ghi nhận mức tăng từ 5-10% so với cùng kỳ năm ngoái, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Vina T&T Group, cho hay.
Riêng thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp của ông đang tích cực thu mua sầu riêng để trả đơn hàng xuất khẩu cho đối tác. Theo ông Tùng nửa đầu năm nay, hầu hết doanh nghiệp đều tận dụng được cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là sang thị trường Trung Quốc theo nghị định thư đã ký.
Đích 10 tỷ USD sớm đạt được
Bộ NN-PTNT ước tính, sản lượng trái cây và rau quả thu hoạch hàng năm tại Việt Nam đạt trên dưới 31 triệu tấn, trong đó trái cây 12,5 triệu tấn, còn lại là rau củ quả.
Đánh giá về ngành hàng rau quả xuất khẩu, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng, nhóm hàng này còn nhiều tiềm năng xuất khẩu. Đặc biệt, chất lượng rau quả Việt Nam hiện không thua kém các nước nên kim ngạch xuất khẩu sẽ sớm đạt 10 tỷ USD.
Đưa rau quả vào chế biến sẽ thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh (Ảnh: Hoàng Hà).
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, diện tích trồng rau quả sẽ giảm trước xu thế công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Do đó, muốn cán đích 10 tỷ USD, cần có giải pháp nâng cao giá trị hàng hóa, trong đó đẩy mạnh khâu chế biến sâu để đáp ứng thị hiếu tiêu dùng hiện đại.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cũng thừa nhận, chúng ta hầu như mới chỉ xuất khẩu thô hay dạng quả tươi. Nếu đầu tư tốt hơn cho chế biến sâu, khai thác tiềm năng thị trường thì 10 tỷ USD từ xuất khẩu rau quả hoàn toàn có thể đạt được.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, dự báo xuất khẩu rau quả năm nay sẽ thu về 5 tỷ USD, hoặc cao hơn.
Theo ông Nguyên, với rau quả xuất khẩu ở dạng tươi, khách hàng lớn nhất là Trung Quốc. Việt Nam đang đứng thứ 3 trong số các quốc gia xuất khẩu rau quả vào thị trường này, sau Thái Lan và Chile.
Rau quả tươi Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế ở thị trường tiêu thụ trái cây lớn nhất thế giới này. Việc cơ quan chức năng hai nước ký nhiều nghị định thư xuất khẩu chính ngạch giúp các mặt hàng rau quả Việt Nam xuất sang Trung Quốc tăng trưởng theo hướng bền vững.
Ngoài ra, Việt Nam lại có lợi thế về vị trí địa lý, thời gian vận chuyển ngắn cùng với chi phí logistics rẻ hơn các đối thủ. Thế nên, chúng ta đang dần có chỗ đứng vững chắc ở thị trường 1,4 tỷ dân. Song, ông cũng lưu ý về các giống cây rau quả có tính ưu việt, công nghệ đóng gói cũng như mẫu mã sản phẩm hợp thị hiếu tiêu dùng.
Còn về sản phẩm chế biến sâu, ông Nguyên cho rằng, đây là xu hướng chung trên toàn cầu, được người tiêu dùng nhiều quốc gia ưa chuộng.
Ở Việt Nam, công nghệ chế biến sâu đang dần được cải thiện, nhiều tập đoàn đầu tư mạnh. Thống kê cho thấy, cả nước có 150 nhà máy chế biến rau quả công nghệ hiện đại, công suất chế biến đạt gần 1,1 triệu tấn/năm. Ngoài ra, 3,4 triệu tấn được chế biến bởi 7.500 cơ sở bảo quản trái cây quy mô siêu nhỏ, hộ gia đình.
Có công nghệ chế biến tốt, chúng ta sẽ tận dụng được 100% nguyên liệu. Rau quả đưa vào chế biến không chỉ gia tăng giá trị mà còn giảm tổn thất sau thu hoạch. Đây cũng là khâu để thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng trong những năm tới.
“Làm tốt, chỉ vài năm tới rau quả xuất khẩu sẽ chạm mốc 10 tỷ USD”, ông Nguyên khẳng định.
Theo Tâm An/Vietnamnet