Ngày 9/4, ông Nguyễn Tấn Phong, Phó giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Phú Quốc (Kiên Giang), cho biết từ tháng 9/2017 đến nay, mỗi tháng đơn vị tiếp nhận khoảng 1.000 hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
Như vậy, bình quân mỗi ngày, văn phòng này tiếp hơn 30 khách đến giao dịch trong thời điểm giá đất "cực sốt". Tuy nhiên, theo ghi nhận, lượng khách thực tế đến giao dịch trong ngày khoảng 300-400 người.
Nhân viên tiếp thị đất tràn ra vỉa hè đường
|
Nhân viên tiếp thị đất dựng pa nô, che dù ngoài vỉa hè để rao bán đất. |
Dọc theo những tuyến đường chính của đảo Phú Quốc, từ thị trấn An Thới lên xã Hàm Ninh, Dương Tơ, Cửa Dương, Cửa Cạn đến Gành Dầu xuất hiện hàng nghìn áp phích ghi nội dung bán đất nền, "đất công" (một công tương đương 1.000 m2) được treo, dán trên trụ điện, cành cây.
Cách nhau vài km đều có một nhóm 2-5 người che dù ngồi cạnh những tấm bảng rao bán đất của các doanh nghiệp bất động sản. Các dự án nhà ở này thường chỉ rộng 2-3 ha, được chủ mua theo dạng "đất công" rồi phân lô bán nền.
Nhân viên một công ty bất động sản cho biết doanh nghiệp có khu đất rộng khoảng 1 ha "lưng tựa núi, mặt hướng biển" ở khu phố 10, thị trấn Dương Đông. Dự án cách đường chính khoảng 400 m, đang được phân chia trên 60 nền nhà rộng 88-141 m2, giá bán 21,3 triệu đồng mỗi m2 (1,9-2,8 tỷ đồng một nền).
"Mua 5 nền trở lên, công ty chiết khấu 50 triệu đồng mỗi nền. Anh mua nhanh kẻo hết vì tụi em bán 3 ngày thì đã gần hết", nhân viên tiếp thị nhà đất nói.
Tại xã Cửa Dương, một doanh nghiệp địa ốc khác có thửa đất 30 m mặt tiền đường Dương Đông - Cửa Cạn, chiều sâu khoảng 120 m. Doanh nghiệp này chia khu đất ra gần 30 nền, giá dao động từ 2,1 đến 8,8 tỷ đồng, tùy theo diện tích. Sau một tuần rao bán, đến chiều 8/4, khu dân cư này chỉ còn 4 nền chưa có người mua.
Đến xã Cửa Cạn thì có hai nhóm nam, nữ kê bàn dưới bóng râm ven đường để tiếp thị khu đất rộng 3,2 ha được chia 168 nền. Theo một nữ môi giới, khu đất ở ấp 3 xã Cửa Cạn, sổ đỏ từng nền, cách thị trấn Dương Đông 12 phút đi xe và đến casino đang được xây dựng ở Gành Dầu chỉ 4 phút.
"Khu dân cư của công ty em giá chỉ từ 6 triệu đồng/m2, nếu anh đầu cơ thì cơ hội tăng giá trị lên đến 200%", cô gái nói.
'Giá đất biến động như giá vàng'
Ông Thái Ngọc Lý ở khu phố 4, thị trấn Dương Đông cho biết giá đất ở Phú Quốc thay đổi từng ngày. Vì vậy, người mua đất nếu đồng ý giá nhưng không đặt cọc thì chỉ một ngày sau là chủ đất nâng lên giá khác.
"Giá đất biến động như giá vàng. Ba năm trước bạn tôi mua 1.000 m2 đất ở đường tránh thị trấn Dương Đông với giá 800 triệu đồng, bây giờ có người trả giá 18 tỷ đồng mà anh ấy không bán", ông Lý chia sẻ.
|
Bộ phận xử lý giấy tờ nhà đất ở Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai Phú Quốc tấp nập. |
Anh Phạm Văn Sỹ ở khu phố 7 (Dương Đông) cũng cho biết vài năm trước, một người bạn mua 6.200 m2 đất gần biển ở khu vực bảo tàng Cội Nguồn với giá chưa đến 1 tỷ đồng. Hiện tại, khu đất này có giá 50 tỷ đồng mỗi công, tức toàn khu 0,6 ha có giá trên 300 tỷ đồng.
"Cạnh nhà tôi hai năm trước có một căn kêu giá 6 tỷ đồng, cuối năm ngoái có người mua 24 tỷ đồng. Hiện nay chủ mới kêu bán trên 30 tỷ đồng", ông Nguyễn Văn Thương ở đường Nguyễn Trung Trực nói.
Khu đô thị 67,5 ha trên đường Dương Đông - Cửa Cạn hiện đã hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng nhưng chưa có nhà được xây. Một bảo vệ tại đây cho biết giá đất khu đô thị tăng từ 6 triệu đồng vào năm trước lên 30 triệu đồng/m2 ở hiện tại. Nhiều người ở các tỉnh phía Bắc vào mua 10-20 nền để đầu cơ, chứ không mua riêng lẻ vài nền để xây nhà.
"Bây giờ có 1 tỷ đồng muốn mua nền nhà gần đường lớn ở Phú Quốc là rất khó. Một năm trước tôi mua 2 nền ở đường tránh, mỗi nền 300 triệu đồng nhưng hiện nay có người mua 1,2 tỷ đồng nhưng tôi không bán", anh bảo vệ khẳng định.
Ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, cho biết giá đất ở huyện đảo tăng nhanh trong những tháng gần đây là có thật. Còn việc giá đất có thật hay ảo, người dân mua để xây nhà ở hay đầu cơ thì ông Hưng từ chối trả lời.
Theo Việt Tường/Zing News