Hơn 10 năm nay, ông Khánh trồng sắn dây trên đất ruộng với 2.000 gốc.
Trồng sắn dây trên đất ruộng khá nhàn
Theo ông Khánh, trước khi trồng sắn dây, gia đình ông trồng rau màu chạy chợ từng ngày mà vẫn không thoát được cái nghèo.
"Vợ chồng tôi người chăm bón vườn rau, người chạy chợ mà vẫn nghèo mãi. Giá rau có khi còn vài ngàn đồng/kg mà vẫn không có thương lái thu mua", ông Khánh than thở.
Thấy ông quần quật làm nông mà khó khăn mãi, một người bạn bày trồng sắn dây với lý do đầu tư ít, dễ trồng, nhàn, ít phân thuốc và nhất là giá tốt, không lo đầu ra.
Tìm hiểu, thăm dò nghề trồng sắn dây và tham khảo thị trường, ông Khánh thấy gợi ý của bạn chí phải nên về bỏ hẳn nghề trồng rau chuyển sang trồng sắn dây. Thế là cái nghề trồng sắn dây theo ông Khánh suốt hơn chục năm nay, như "cái nghiệp" mà ông mang lấy.
Hiện, ở thị trấn Châu Thành, ông Khánh là một trong những nông dân có thâm niên, kinh nghiệm nhất trong nghề trồng sắn dây trên đất ruộng.
Ông Khánh chia sẻ, kỹ thuật trồng sắn dây trên đất ruộng khá nhàn và khá đơn giản. Muốn trồng sắn dây trên đất ruộng cho năng suất cao và bột nhiều, phải đắp mô và làm giàn.
Theo đó, sau khi đào hố rộng 30cm, phải bón lót phân chuồng hoai mục trộn với tro, trấu trước khi đưa hom sắn dây vào trồng và đắp mô. Mô đắp gốc sắn dây phải đủ to để dây sắn dây phát triển tốt. Sắn dây là cây chịu hạn tốt nên chỉ cần tưới nước 2 – 3 ngày/lần.
Sau khi thấy dây sắn dây cao phát triển khoảng 20cm, người trồng tiến hành làm giàn cho sắn dây leo. Việc làm giàn cho cây sắn dây leo không chỉ cho củ to, đều, mà còn giúp nông dân dễ thu hoạch củ.
Ông Khánh lưu ý, tuyệt đối không cho dây sắn dây chạm đất vì phần nào chạm đất sẽ có khả năng mọc rễ mới làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng tinh bột trong củ sau này. Ngoài ra, tránh tình trạng dây sắn trên giàn quá dày dẫn đến việc sắn dây không quang hợp được sẽ cho năng suất thấp.
"Một mùa vụ sắn dây kéo dài 7 – 8 tháng. Thường tôi bắt đầu trồng sắn dây vào tháng 3 và thu hoạch vào khoảng tháng 10", ông Khánh thổ lộ.
Đổi đời nhờ trồng sắn dây trên đất ruộng
Hôm chúng tôi ghé thăm vườn sắn dây của anh Khánh, đã thấy lá 7 công đất vườn sắn dây chuyển sang màu vàng và có hiện tượng trút lá vàng. Theo nông dân trồng sắn dây, đây là hiện tượng vườn sắn dây sắp cho thu hoạch củ.
Theo anh Khánh, mỗi vụ thu hoạch vườn sắn dây cho khoảng 20 tấn. Giá củ sắn dây tươi trong năm dao động 10.000 – 15.000 đồng/kg. Trừ chi phí, ông Khánh thu lời gần 200 triệu đồng/năm. Củ sắn dây tươi được bán cho thương lái và cơ sở chế biến tinh bột sắn dây.
Để có được tinh bột sắn dây, phải qua một quá trình chế biến rất kì công. Theo đó, củ sắn dây được rửa thật sạch, xay cho nhuyễn cùng với nước, sau đó lọc lấy phần tinh bột lắng xuống bên dưới, rồi sấy khô.
Tinh bột sắn dây thường dùng để pha trực tiếp với nước hoặc kết hợp với một vài vị thuốc đông y giúp cho cơ thể hạ nhiệt, giải độc, chống lão hóa, ung thư... Uống bột sắn dây còn đẹp da. Ngoài ra, tinh bột sắn dây còn được dùng nhiều trong nấu ăn.
Theo Đông y, cây sắn dây là loại dược liệu mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Lá, thân cây và củ sắn dây có thể dùng để giải rượu, trị rắn cắn, điều trị nhiệt miệng, sốt, đái tháo đường, tăng huyết áp, đau mỏi vai gáy…
Theo Trần Đáng/Dân Việt