Trồng na trái vụ, nông dân Bắc Giang kiếm thêm bộn tiền

Google News

Về xã Nghĩa Phương (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) thời điểm này, na trái vụ đang ở giai đoạn cuối vụ thu hoạch, quả na trái vụ được giá cao, bà con vui mừng phấn khởi.

Người trồng na ở đây cho biết, so với na chính vụ, cây na dai trái vụ đang có ưu điểm hơn hẳn, dễ chăm sóc, dễ tiêu thụ đặc biệt khắc phục được tình trạng được mùa mất giá.
Thực tế cho thấy đất Nghĩa Phương phù hợp với cây na dai. Tuy nhiên, theo cách trồng truyền thống, na chỉ cho thu hoạch một vụ trong năm. Vì vậy, nhiều hộ nông dân đã tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật, đẩy mạnh thâm canh, ngắt lá, tỉa cành; thụ phấn chủ động cho cây na để có thể thu hoạch 2 vụ/năm. Những quả na trái vụ đã và đang giúp người trồng na Nghĩa Phương tăng thêm thu nhập.
Đang hái na trong vườn, ông Bùi Văn Ba, thôn Suối Ván, xã Nghĩa Phương cho biết, gia đình ông hiện có trên 1 mẫu na. Vụ na này dự kiến thu hoạch khoảng 3 tấn quả, với giá bán dao động từ 40 – 50 nghìn đồng/kg, thu nhập trên 130 triệu đồng.
Những năm trước, gia đình tôi chưa biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc na trái vụ, quả thường có nhiều sâu bệnh, mẫu mã xấu. Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm, hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông; tuân thủ quy trình sản xuất nên chất lượng quả được đảm bảo hơn, giá bán được cao hơn.
Cây na dai được đánh giá rất phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai nơi đây nên sinh trưởng, phát triển tốt. Để cây na có năng suất, chất lượng cao, người trồng na cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật chăm sóc cây na ngay sau khi thu hoạch chính vụ kết thúc.
Trong na trai vu, nong dan Bac Giang kiem them bon tien
Ông Bùi Văn Kiên (bên phải) chia sẻ kỹ thuật chăm sóc cây na trái vụ.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng na trái vụ, ông Bùi Văn Kiên nói, “để cây na cho quả trái vụ cần biết cách chăm sóc cây na phù hợp với các giai đoạn; biết cắt tỉa cành, tạo tán để thuận lợi cho việc chăm sóc phòng trừ sâu bệnh hại; cân đối phân bón cho phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây na và đặc biệt là phải biết xử lý ra lộc sớm, hoa sớm, thụ phấn nhân tạo để rải vụ.
Điểu chỉnh cây na cân đối, không những tạo độ khỏe cho cây na, đồng thời kéo dài thời gian thu hoạch, tạo cho giá cả thị trường ổn định…
Đồng thời, trong sản xuất chúng tôi luôn áp dụng đúng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, khi quả na còn non xanh, bắt buộc phải bọc túi nilon để tránh ruồi vàng và các loại côn trùng chích hút. Bởi vậy, quả na dai ở đây đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tạo được uy tín trên thị trường”. 
Theo tìm hiểu, thời điểm thu hoạch na chính vụ là từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, còn na trái vụ cho thu hoạch từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 12 (dương lịch). Xã Nghĩa Phương hiện có 400 ha na trái vụ đang cho thu hoạch, chủ yếu tập trung ở thôn Suối Ván, Trí Yên, Tè, Kỳ Sơn, Hố Nước. Na trái vụ năm nay, giá bán từ 35- 55 nghìn đồng/kg, đã có nhiều hộ nông dân thu nhập từ 120- 200 triệu đồng/vụ.
Nhờ biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển những cây, cho giá trị kinh tế cao. Các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như na, dứa, cam, bưởi, cây ăn quả khác… tiếp tục là các cây trồng chủ lực, được nhân dân tập trung đầu tư sản xuất và nhân rộng trên địa bàn. Đặc biệt, nhân dân Nghĩa Phương đã biết áp dụng kỹ thuật để cây na trái vụ cho hiệu quả kinh tế cao, tránh được tình trạng được mùa, rớt giá.
Na là cây trồng chủ lực của xã Nghĩa Phương đang dần khẳng định là một trong những cây trồng thế mạnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, ông Nguyễn Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phương cho biết.
Theo Minh Nga/Dân Việt