Trồng "cột chống trời" thành triệu phú, bán "vàng đen" mua két cất tiền

Google News

Dổi vốn là một loài gỗ quý, thớ mịn, không cong vênh lại rất thơm, vì thế từ những năm 1984, ông Phạm Văn Công đã trồng hàng chục cây chủ yếu để lấy gỗ.

“Hạt vàng đen” của nông dân xứ Mường
Là một huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa, Bá Thước có địa hình chủ yếu là đồi núi đá hiểm trở, người dân chủ yếu trồng cây lấy gỗ, trong đó có cây dổi. Những năm gần đây, hạt dổi được giá, nhiều hộ đã nhanh chóng thoát nghèo trong đó có gia đình ông Phạm Văn Công (xã Điền Quang, Bá Thước).
Dổi vốn là một loài gỗ quý, thớ mịn, không cong vênh lại rất thơm, vì thế từ những năm 1984 ông Phạm Văn Công đã trồng hàng chục cây chủ yếu để lấy gỗ. Đến nay, không chỉ gỗ cây mà hạt dổi cũng rất được ưa chuộng. Hiện trên thị trường, giá mỗi kg hạt dổi dao động từ 2 - 3 triệu đồng hạt khô. Với hơn 30 cây trong vườn đang độ thu hoạch, mỗi năm ông Công thu về hàng trăm triệu đồng.
“Mùa này đang chuẩn bị đậu quả, mưa xuống coi như mất mùa mà cây cao thế kia chẳng có cách nào ngoài trông mưa thuận gió hòa” – Ông Phạm Văn Công chia sẻ. 
Ông Công chia sẻ: “Trước đây, do sống trên địa hình đất dốc, nên tôi trồng dổi xung quanh nhà để giữ màu cho đất, lấy gỗ. Không ngờ mấy năm gần đây, hạt dổi được giá, mỗi cây dổi cho giá trị kinh tế cao nên tôi cũng đang nhân rộng thêm diện tích”.
Trong vườn nhà ông Công có 2 loại dổi: loại hạt nhỏ và loại hạt to. Loại hạt nhỏ thường có màu vàng, đen, loại này rất thơm, được ưa chuộng nhất, thường gọi là dổi nếp với khoảng 30 cây. Loại thứ hai hạt to, đen, ngửi kỹ thì có mùi hắc khá khó chịu, ít được ưa chuộng, giá bán rẻ, gọi là dổi tẻ. Để phân biệt hai loại này chỉ cần dựa vào kích thước và màu sắc của lá, dổi tẻ thì to và xanh hơn dổi nếp.
Hạt dổi là thứ gia vị đặc trưng của các dân tộc miền núi phía Bắc của Việt Nam, người dân ở đây dùng hạt dổi thay cho hạt tiêu để nêm gia vị thức ăn. Đây cũng là khắc tinh của những chứng đau bụng. Theo ông Công, nếu nướng hạt dổi bằng than hồng ăn vào sẽ tránh bị đau bụng hoặc nếu bị đầy hơi, khó tiêu thì đây cũng là một bài thuốc hữu hiệu.
Ước mong trồng dổi đổi đời
“Bây giờ có giống mới, cây chỉ 3-6 năm là cho quả, nhưng tôi vẫn phải trồng xen canh các loại cây ngắn ngày vừa tiết kiệm đất lại có một lượng phân hữu cơ sau khi thu hoạch” – ông Công chia sẻ.
Ngoài việc trồng dổi, ông Công cho trồng các loại cây thảo dược trên diện tích đất đồi ưa bóng như: Thảo quả, lá lốt…. Trên diện tích đất 4 xào xung quanh nhà, ông cho trồng nghệ đen và nghệ vàng với giá từ 10 – 20.000đ/kg, mỗi năm cũng cho thu về hàng chục triệu đồng.
Dổi là cây có độ che phủ lớn, được phép trồng và sử dụng gỗ theo quy định của pháp luật. Cây rất dễ trồng mà không mất nhiều công chăm sóc, phù hợp với thổ nhưỡng khắc nghiệt của huyện Bá Thước nên đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người nông dân. Ngoài ra, việc ông Công còn nuôi một lượng gà đen thả vườn, nhờ đó mà kinh tế từng bước được ổn định.
 Xung quanh vườn nhà ông Công đã có trên 20 cây dổi.
“Trên địa bàn xã hiện có rất nhiều hộ có trồng dổi, nhưng số lượng cây đang cho thu hoạch không đáng kể, bởi cây phải 10-20 năm mới cho quả, giống mới thì cũng từ 5-7 năm. Những năm gần đây, hạt dổi được giá, đã mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống cũng như xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương, trong đó có gia đình ông Công.” – ông Hà Văn Đồng – Chủ tịch UBND xã Điền Quang chia sẻ.
Theo Việt Trinh/Dân Việt