Đã từng đem về giá trị 500 tỷ đồng/năm
Thạch đen là cây trồng bản địa ở huyện Tràng Định, từ bao đời nay người dân vẫn trồng cây thạch đen để làm nguyên liệu chế biến thành món thạch,nhằm giải khát trong những ngày hè oi ả.
Hợp với thổ nhưỡng, khí hậu cây thạch đen được ví như "vàng đen" của huyện Tràng Định. Ảnh: PV
Với nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, nhiều gia đình trên địa bàn huyện Tràng Định đã phát triển, nhân rộng diện tích trồng cây thạch đen ở ruộng cũng như trên nương bãi.
Hơn 10 năm trồng cây thạch đen để phát triển kinh tế, chị Nông Thị Tình – Xã Kim Đồng, huyện Tràng Định cho biết, cũng như các gia đình khác trên địa bàn, những năm qua gia đình chị đã trồng cây thạch đen, mỗi năm được khoảng 2 tấn.
"Những năm giá cả thuận lợi, gia đình tôi cũng có thu nhập khá. Từ cây thạch đen mà gia đình tôi đã xây được nhà, mua được xe…"- chị Tình chia sẻ.
Đến năm 2021, diện tích trồng cây thạch đen của huyện Tràng Định là 2.500ha, sản lượng 13.446 tấn, đem về thu nhập cho người dân khoảng 500 tỷ đồng…
Cây thạch đen đã phát triển ở nhiều địa phương của huyện Tràng Định như Kim Đồng, Tân Tiến, Cao Minh, Đoàn Kết, Vĩnh Tiến, Khánh Long, Bắc Ái, Chí Minh, Chi Lăng… Ở đâu cây thạch đen cũng góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho nhiều hộ gia đình.
Nhằm hỗ trợ cho người dân phát triển cây thạch đen, ngành Nông nghiệp huyện Tràng Định cũng đã khuyến khích, hỗ trợ người dân ở các xã xây dựng được 118 mã số vùng trồng và 10 mã cơ sở đóng gói thạch đen, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc nông sản, nâng cao uy tín và đảm bảo yêu cầu xuất khẩu.
Huyện Tràng Định đã có nhiều giải pháp để phát triển cây thạch đen. Ảnh: PV
Năm 2017, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho cây thạch đen của huyện Tràng Định.
Theo đó, nhãn hiệu tập thể được sử dụng cho các sản phẩm thạch cho thực phẩm, cây thạch đen khô, thạch đen, cây thạch đen tươi, đồ uống từ thạch đen không có cồn.
Tháng 12/2020, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với thạch đen xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết… đây thực sự là những động lực tích cực để người dân trồng cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu cây thạch đen phát triển.
Liên kết để đi xa hơn
Phát triển với diện tích trồng thạch đen lớn nhưng chưa có chiến lược lâu dài, đặc biệt chưa được xây dựng được mối liên kết chặt chẽ người trồng – doanh nghiệp chế biến, vì vậy khi có dịch Covid-19 xảy ra, sức mua giảm, khiến cho người nông dân trồng thạch đen trên địa bàn huyện Tràng Định đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình tiêu thụ.
Từ cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, đến nay diện tích trồng cây thạch đen của huyện Tràng Định đã bị giảm, năm 2023 còn 1.360 ha và đến năm 2024 diện tích trồng 822 ha.
Việc được liên kết với doanh nghiệp sẽ góp phần giúp cây thạch đen phát triển bền vững. Ảnh: PV
Nhằm hỗ trợ cho người nông dân trồng thạch đen trên địa bàn, UBND huyện Tràng Định đã đưa ra nhiều giải pháp kịp thời như lồng ghép nhiều nguồn lực để hỗ trợ các đơn vị sản xuất chế biến thạch, hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng sản phẩm OCOP… kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Lạng Sơn đến để tìm hiểu về cây thạch đen và chế biến sâu các sản phẩm làm từ cây thạch.
Cùng với đó, ngành Nông nghiệp huyện Tràng Định cũng đã mở các lớp tập huấn, hướng dẫn để người dân nắm bắt được kỹ thuật, trồng cây theo đúng tiêu chuẩn nhằm đảm bảo xuất khẩu.
Là đơn vị đã tham gia trồng, liên kết tiêu thụ cây thạch đen với người dân huyện Tràng Định trong thời gian vừa qua, ông Hà Viết Quý – Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và đầu tư xuất nhập khẩu Đức Quý cho hay, từ năm 2019 công ty của ông đã liên kết với bà con để trồng cây thạch đen, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Nhờ đó, bà con đã yên tâm trồng hơn rất nhiều. "Dù có nhiều diễn biến bất lợi nhưng đến nay liên kết của chúng tôi với 500 hộ gia đình vẫn rất bền chặt, hiện nay giá thu mua đã cao hơn gấp 7 lần so với năm 2018"- ông Quý cho biết.
Có thể thấy rằng việc được liên kết sẽ góp phần giúp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản được tốt hơn, từ đó sản xuất nông nghiệp mới thực sự bền vững, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa tập trung. Qua đó đời sống của người dân mới thực sự cải thiện và nâng cao.
Hoàng Tính/Dân Việt