Trồng cây tiền tỷ: Nông dân Gio An thu vàng từ “mỏ vàng” nghệ

Google News

Nông dân xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị vừa kết thúc một vụ thu hoạch nghệ vàng, thu về hơn 25 tỷ đồng.

Nhiều gia đình thu nhập cao
Gia đình ông Nguyễn Văn Tình ở thôn Hảo Sơn vừa thu hoạch được 20 tấn nghệ vàng trên diện tích 1,2ha đất, thu về hơn 280 triệu đồng. Ông Tình phấn khởi cho hay sau khi trừ các chi phí phân bón, chăm sóc, thuê nhân công làm cỏ... gia đình ông lãi 120 triệu đồng.
Trong cay tien ty: Nong dan Gio An thu vang tu “mo vang” nghe
Củ nghệ được nông dân Gio An thu hoạch về chờ xay lấy tinh bột. 
Vào thời điểm này, đa số các hộ dân ở xã Gio An đã hoàn thành công việc thu hoạch nghệ củ. Tôi tìm gặp ông Lê Quang Phước ở thôn Tân Văn, người ta thường gọi đùa ông là “thánh nghệ”. Sở dĩ có tên gọi đó là vì ông cùng 4 cậu con trai canh tác đến 4ha đất trồng cây nghệ. Năm nay ông Phước thu hoạch được hơn 60 tấn nghệ tươi trên diện tích 4ha đất, thu về một khoản gần 1 tỷ đồng.
Ông Phước cho biết, bắt đầu trồng nghệ đã được 4 năm nay. Trước đây chỉ trồng xen canh giữa rừng cao su. Sau vụ mùa đầu tiên, gia đình ông lãi một khoản kha khá từ việc bán củ nghệ. Nhận thấy có thể đem lại nguồn lợi nhuận cao, ông cùng con trai chủ động thuyết phục người quen mượn đất rừng cao su trồng xen canh cây nghệ. Năm trước nghệ có giá 20 ngàn đồng/kg không có mà bán, năm nay giá nghệ xuống còn 14 ngàn đồng mà được cái nghệ được mùa, củ nhiều nên nông dân vẫn có lãi to.
Nông dân ở xã Gio An bắt đầu trồng nghệ từ tháng 4 năm trước đến tháng 6 năm sau thì có thể thu hoạch được. Để củ nghệ có chất lượng tốt nhất thì cần trồng đến 14 tháng. Các thương lái rất ưa chuộng củ nghệ được trồng ở xã Gio An bởi chất lượng tuyệt vời. Củ to tròn, chắc củ, ruột vàng tươi là đặc biệt là mùi thơm nhẹ nhàng, vì vậy giá nghệ ở vùng này có thể cao hơn thị trường 1 - 2 ngàn đồng/kg.
Ông Lê Phước Hiếu, Phó Chủ tịch xã Gio An cho biết, diện tích đất canh tác cây nghệ của xã chủ yếu trồng xen canh giữa rừng cao su, hiệu quả kinh tế cao. Năm nay nông dân xã Gio An thu về hơn 20 tỷ đồng từ việc trồng cây nghệ, nhiều nhất trong các năm qua. Từ một cây trồng phụ, nghệ đã giúp nhiều gia đình có thu nhập cao.
Sản phẩm sạch và chất lượng
Ngoài việc bán nghệ củ tươi, các hộ dân ở đây cũng bắt đầu đầu tư máy móc, dụng cụ để chế biến tinh bột nghệ, một mặt hàng hiện tại rất được tin dùng bởi các công dụng tuyệt vời từ củ nghệ. Hiện tại nhu cầu về củ nghệ cũng như các sản phẩm từ nghệ đang rất được thị trường săn đón bởi các công dụng tuyệt vời của nghệ đã được ghi lại từ các bài thuốc dân gian như chữa các bệnh dạ dày hay làm đẹp da, tóc…
Đón đầu nhu cầu của thị trường, các hộ dân ở xã Gio An cũng bắt tay vào sản xuất tinh bột nghệ nguyên chất. Thôn Gia Bình hiện đang đi đầu toàn xã trong việc sản xuất tinh bột nghệ. Nghệ tươi sau khi được thu hoạch sẽ được rửa sạch, xay mịn sau đó được đem đi lọc, rồi lấy bột sấy khô hoặc phơi khô thành phẩm.
Chị Lâm Thị Hoa, một người sản xuất tinh bột nghệ có tay nghề tại thôn Gia Bình cho biết 10kg nghệ tươi thì làm được 1kg tinh bột nghệ, bán có giá 450 - 500 ngàn, lãi cao hơn nhiều bán nghệ củ tươi.
Ông Lê Phước Hiếu cho biết, để đảm bảo sản phẩm sạch và chất lượng, an toàn đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng, một vài hộ dân trong xã đã hợp tác xây dựng xưởng sản xuất tinh bột nghệ chuyên nghiệp, khép kín và đang trong quá trình hoàn thiện. Mỗi xưởng chế biến có diện tích 150m2 cùng các loại máy móc, công nghệ hiện đại như sấy tự động, sấy bằng bức xạ hồng ngoại, diệt khuẩn bằng bước sóng UV, hút chân không, hàn miệng túi tự động. Xã cũng rất chú trọng đến khâu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng nên luôn động viên người dân uy tín và chất lượng sản phẩm là trên hết để làm ăn bền vững, lâu dài.
Tuy nhiên, để sản phẩm tinh bột nghệ sạch xã Gio An được người tiêu dùng biết đến nhiều hơn nữa thì cần phải có thương hiệu. Hiện tại huyện Gio Linh đang hỗ trợ người dân về mặt pháp lý để có thể sớm mang thương hiệu tinh bột nghệ sạch Gio An đến với thị trường trong nước và bạn bè quốc tế một cách sớm nhất.

"Hiện xã Gio An có trên 300 hộ dân trồng nghệ trên diện tích 120ha. Mỗi ha trồng nghệ trung bình thu về 15 tấn nghệ tươi, có giá trị tương đương hơn 220 triệu đồng. Xã cũng xác định cây nghệ được ưu tiên lựa chọn để phát triển và xem đó là loại dược liệu có giá trị kinh tế cao để không ngừng nâng cao thu nhập cho người dân", ông Lê Phước Hiếu.

Theo Lâm Quảng Bửu /Nông nghiệp Việt Nam