Quần áo lâu khô vì trời nồm
Những ngày này, người dân Thủ đô đang chịu cảnh nồm ẩm kéo dài. Tình trạng này khiến cho nhà luôn ướt cả ngày khi nền nhà "đổ mồ hôi" lép nhép, trần nhà tụ nước nhỏ giọt gây ẩm mốc… Quần áo dù giặt vài ngày vẫn ẩm, mùi hôi khó chịu. Sự bất tiện này khiến cho cuộc sống của nhiều gia đình đảo lộn.
Chị Trần Thị Du (Hà Nội) dù không mấy khi đem quần áo ra tiệm giặt vì sợ tốn kém nhưng trong những ngày trời nồm ẩm này cũng phải "bấm bụng" mang quần áo đi giặt khô là hơi vì quần áo lâu khô, mùi ẩm mốc. Chị chia sẻ, quần áo bình thường sau khi giặt để có thể khô, thơm hơn chị còn mang máy sấy tóc ra sấy. Thế nhưng quần áo mặc lên người mà vẫn như quần áo bẩn, lại thêm mùi ẩm mốc nữa càng khó chịu hơn. Bởi vậy mà từ hôm trời ẩm là chị mang đi dịch vụ giặt là. Trung bình cứ khoảng 4 bộ quần áo, chủ tiệm lấy khoảng 30.000 mà quần áo lại thơm.
Nhà có hai con nhỏ, thời tiết nồm ẩm những ngày này, gia đình anh Nguyễn Văn Thực (Hà Đông, Hà Nội) cũng khổ sở. Hai con nhỏ đi học mẫu giáo về là thay ra rất nhiều đồ mỗi ngày. Máy giặt ngày nào cũng hoạt động hết công suất, dù đã được vắt kiệt nước, treo ngoài sân mái hiên nhưng vài ngày không thể khô được. Dây quần áo của gia đình mỗi ngày tích tụ nhiều, không còn chỗ nào để treo.
Để hong cho khô quần áo, hai vợ chồng phải mất cả tối để là lượt, hong. Bởi vậy mà mấy ngày nay trời nồm ẩm nhiều nên phải mang ra tiệm giặt khô ở đầu ngõ giặt cho nhanh. Dù tốn chút nhưng quần áo thơm tho hơn.
Dịch vụ giặt khô là hơi đắt khách, hoạt động hết công suất
Theo khảo sát trên một số con phố ở khu vực Hà Đông, Nam Từ Liêm… các cửa hàng là lớn nhỏ hoạt động liên tục. Theo anh Huấn, chủ cửa hàng giặt là ở Dương Nội – Hà Đông, Hà Nội chia sẻ, từ sau khi khai xuân cửa tiệm luôn đông trong tình trạng quá tải. Nhiều quần áo len, áo khoác dày, chăn… được mọi người đem đến tiện giặt. Nhất là thời tiết nồm ẩm hiện nay, người không còn cách nào khác là đem ra tiệm. Mặc dù nhiều gia đình đã sắm những tủ sấy quần áo, máy sấy quần áo… nhưng nhu cầu giặt khô là hơi vẫn đắt.
Trung bình gia đình anh chị nhận giặt quần áo với giá 12.000 đồng/kg quần áo, giá giặt áo khoác, áo da, chăn bông có cao hơn chút. Trong những ngày mưa nồm, nhu cầu khách tăng vọt nhưng giá không tăng. Tiệm giặt của anh chị có quy mô nhỏ với 6 máy giặt và 3 máy sấy công nghiệp nhưng lúc nào cũng quá tải. Mỗi ngày, anh chị tiếp nhận khoảng 30-40 kg quần áo các loại, chưa kể áo khoác hay chăn màn…
Để đảm bảo quần áo của khách hàng không bị nhiễm khuẩn chồng chéo, chị chia đồ của mỗi hộ gia đình đều được giặt riêng. Với lượng quần áo quá ít, trước khi đưa vào giặt chung sẽ được xử lý riêng trước một lần.
Các cửa tiệm giặt là thường phải hoạt động liên tục vì nhu cầu giặt tăng hơn khi trời nồm. Ảnh Nguyễn Thúy
Cửa hàng giặt khô của gia đình chị Nguyễn Linh những ngày nồm ẩm này cũng quá tải vì lượng khách tăng vọt. Máy hoạt động liên tục từ 7h sáng đến tận rạng sáng hôm sau. Vợ chồng chị làm việc không nghỉ tay để kịp trả quần áo cho khách.
Quần áo sau khi được nhận, gia đình anh chị phân loại quần áo màu và quần áo trắng rồi gắn tên khách hàng lên tránh nhầm lẫn, đưa vào máy giặt để xử lý. Khi đồ giặt xong được đưa vào máy sấy để làm khô ngay lập tức. Sau đó, quần áo được gấp gọn, xếp từng túi riêng để trả khách.
Nhu cầu giặt khô những ngày nồm ẩm tăng cao nên một số tiệm giá dịch vụ tăng từ 5 – 10% so với bình thường. Tùy khách hàng chọn phương pháp giặt ướt - là hơi hay giặt khô là hơi thì giá khác nhau. Chẳng hạn, giá áo veston nam/nữ giá từ 50.000 - 70.000 đồng; áo khoác 70.000 đồng/chiếc; áo da ngắn, dài dao động từ 60.000 - 100.000 đồng; chăn, ga từ 50.000 - 70.000 đồng/chiếc; quần áo thông thường trung bình 15.000 đồng/chiếc…
Theo P.Nhuận/Sức khỏe đời sống