Chỉ cần một cái vợt to và chịu khó quay, vợt châu chấu, một ngày mỗi người dân ở đây có thể kiếm từ vài trăm nghìn đồng đến cả triệu đồng.
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, hiện thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) đang có khoảng vài trăm người hành nghề săn châu chấu.
Địa bàn săn châu chấu cốm không chỉ ở các cánh đồng Hà Tĩnh, mà còn diễn ra ở nhiều vùng khác ở trong và ngoài tỉnh khác.
|
Đồ nghề của những thợ săn châu chấu ở đây chỉ đơn giản là chiếc vợt trụ rộng chừng 50cm, sâu 1m được làm từ túi nilon, màn tuyn và gắn với cán tre dài gần 2m. Cùng với đó là những chiếc túi lưới để đảm bảo châu chấu có thể sống khi bán cho thương lái thu mua. |
Châu chấu là loài côn trùng gây hại cho mùa màng. Vì vậy việc săn bắt châu chấu không chỉ mang lại thu nhập cao, đời sống ổn định cho người dân ở đây mà công việc này còn góp phần hạn chế sự phát triển của châu chấu.
Để có mặt tại cánh đồng thuộc xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) từ sáng sớm, vợ chồng chị Lê Thị Thanh và anh Bùi Văn Bình ( TX.Hoàng Mai, Nghệ An) phải dậy từ 3h sáng, vượt hơn 100km.
Họ mang theo những chiếc vợt to và dài, vừa đi vừa vợt dọc theo các con mương, thửa ruộng. Sau khi thấy đã vợt được nhiều châu chấu thì vợ chồng chị Thanh cho vào các túi lưới để đảm bảo châu chấu có thể sống.
"Trung bình mỗi ngày, chịu khó vợt thì vợ chồng tôi cũng kiếm được 3 – 5kg châu chấu. Vào mùa vụ Đông tháng 11, tháng 12, châu chấu thịt nhiều hơn, thương lái thu mua với giá từ 200.000 đồng/kg.
Còn thời điểm hiện tại, chúng tôi chủ yếu vợt châu chấu cốm để bán làm thức ăn cho chim cảnh. Tùy vào thời điểm mà châu chấu được mua với giá từ 80.000 – 120.000 đồng/kg. Mới đầu vụ làm đều, chúng tôi cũng kiếm được hơn 20 triệu đồng" – Chị Thanh chia sẻ.
|
Theo những thợ săn ở đây, thời điểm này đang vào mùa châu chấu cốm, châu chấu thịt có nhưng số lượng ít. Châu chấu cốm là loại châu chấu non, chưa có cánh và thường chạy nhảy tập trung nhiều ở ngọn lúa, bờ mương. Châu chấu có thể bắt quanh năm, nhưng với châu chấu cốm thì chỉ tập trung vào hai vụ: sau vụ lúa Xuân tháng 3 – 4 và sau vụ lúa Đông tháng 11 – 12. |
Là người có kinh nghiệm 5 năm săn châu chấu, anh Nam ( xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cho biết: Khi thân rạ còn dính đầy sương mai thì châu chấu cốm sẽ bị dính lại, khó bật nhảy và bay nên khó vào vợt. Vì vậy, chúng tôi phải chờ khi trời hửng sáng, sương tan dần mới làm việc, như thế sẽ bắt được nhiều châu chấu hơn.
|
Chị Đăng Thị Lĩnh vợt châu chấu trên cánh đồng ở Nghệ An. |
Vừa là lái buôn thu mua châu chấu, vợ chồng chị Đặng Thị Lĩnh và anh Hồ Trọng Nghị (Thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cũng chủ động đi bắt châu chấu.
"Bắt châu chấu là nghề phụ nhưng thu nhập lại khá cao. Năm nay có vẻ châu chấu cốm ít hơn mọi năm, nhưng trung bình mỗi ngày hai vợ chồng tôi vẫn kiếm được từ 500.000 – 700.000 đồng", anh Nghị nói.
|
Các con châu chấu cốm sau khi được săn về sẽ được thương lái thu mua bán cho các thợ nuôi, bán chim cảnh |
|
Thành phẩm châu chấu cốm của các thợ săn ở Nghệ An. |
|
Vợ chồng anh Nghị vừa thu mua vừa tích cực săn châu chấu. |
"Dù công việc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn sau vụ thu hoạch lúa nhưng tính ra thu nhập mang lại cao hơn mấy vụ lúa trong năm", anh Nghị khẳng định.
Hiện tại gia đình anh Nghị thu mua châu chấu cốm của người dân với mức giá dao động từ 80.000 – 120.000 đồng/kg tùy theo thời điểm. Hiện tại châu chấu cốm chưa xuất hiện nhiều nên giá thu mua khá cao, đạt 120.000 đồng.
Sau khi thu mua anh chị tiến hành phân loại, cho vào các túi nilon nhỏ bảo quản đông lạnh gửi cho các mối hàng ở Đà Nẵng, Huế, Hà Nội,… để tiêu thụ.
Mỗi túi nhỏ có số lượng từ 20 – 30 con, cung cấp cho các đầu mối nuôi, bán chim cảnh với giá bán 2.500 đồng/gói. Trung bình mỗi năm anh chị có thu nhập từ 120 – 150 triệu đồng từ nghề săn và buôn châu chấu.
Theo Dân Việt