Tính đến 18h ngày 3/8 cả nước đã ghi nhận tổng cộng 624 ca mắc COVID-19, trong đó có 307 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Cả nước đã ghi nhận 6 ca tử vong, gồm các bệnh nhân: 428, 437, 499, 475, 524, 429. Những ca bệnh này đều cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền kèm theo.
Trước tình hình phức tạp của COVID-19, công tác phòng, chống dịch hiện nay được xác định là “cuộc chiến” chống “giặc” COVID-19 của toàn dân. Đồng hành cùng “cuộc chiến” gian nan này là đội ngũ y bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế, những “chiến sĩ áo trắng” luôn ở tuyến đầu, ngày đêm thầm lặng cùng với chính quyền và nhân dân đẩy lùi dịch bệnh.
|
Hình ảnh binh chủng Hóa học khử khuẩn một số tuyến đường tại quận Sơn Trà, Đà Nẵng. (Ảnh: TTXVN). |
Giữa thời điểm dịch COVID-19 đang có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, vài ngày qua, bất ngờ xuất hiện thông tin Công ty CP sữa VitaDairy Việt Nam (VitaDairy) tiếp tục phát động quỹ “Bảo vệ y bác sĩ 24h”, với thông điệp lan tỏa là “Bảo vệ y bác sĩ, để y bác sĩ bảo vệ chúng ta”.
Theo giới thiệu, để tham gia chiến dịch mọi người phải đăng tải hình ảnh kèm hashtag #Baovebacsi24h hoặc #VitaDairybaovebacsi24h trên Facebook. Mỗi bài đăng hợp lệ được VitaDairy thông báo là đóng góp 10.000 đồng vào quỹ “Bảo vệ y bác sĩ 24h”? Thời gian gây quỹ được tính từ 1/8 đến hết 17h ngày 15/8/2020.
|
Chiến dịch phát động quỹ “Bảo vệ y bác sĩ 24h” của Công ty CP sữa VitaDairy Việt Nam thời điểm dịch COVID-19 đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận. |
Ngay sau khi thông tin chiến dịch xuất hiện, dư luận đã nổi “sóng” và đưa ra nhiều ý kiến tranh cãi gay gắt. Một số ý kiến cho rằng động thái của Công ty CP sữa VitaDairy Việt Nam chỉ là “chiêu trò” nhằm “lợi dụng” dịch bệnh COVID-19 để “đánh bóng” tên tuổi doanh nghiệp này?
Thậm chí tài khoản facebook có nickname T.T.A đã phải thốt lên trang cá nhân của anh rằng: “Chiến dịch PR thô thiển”. Mặc dù tài khoản T.T.A. không nêu đích danh sản phẩm sữa của hãng nào, nhưng với những ngụ ý trong bài viết nhiều người dùng facebook vẫn ngầm hiểu đang nói về quỹ “Bảo vệ y bác sĩ 24h” của VitaDairy.
Anh T.T.A viết: “Có rất nhiều doanh nghiệp đã chung tay tài trợ cho cuộc chiến chống dịch hàng nghìn tỷ đồng nhưng không hề có yêu cầu gì hay cài cắm vào đó bất kỳ thông điệp "PR" nào. Nhưng mấy ngày nay, một hãng sữa lại làm theo một cách rất…
Ấy là tạo một chiến dịch trên Facebook, yêu cầu mỗi người share hình kèm thương hiệu của họ, hashtag tên thương hiệu của họ, nói rằng mỗi tút như vậy sẽ góp mấy đồng để bảo vệ bác sĩ. Sẽ có người nói, share cái này không mất gì, lại có tiền cho bác sĩ, nhân lên tình cảm của người dân dành cho ngành y tế.
Tôi thì cho rằng, trong bối cảnh người dân đang lo lắng, các bác sĩ đang gồng mình chống dịch, cách làm này… Lợi dụng hình ảnh và sự hi sinh thầm lặng của các bác sĩ và nhân viên y tế; lợi dụng cảm xúc của cộng đồng.
Một khi, người cho nghĩ cách lợi dụng cả người được cho và của cả cộng đồng thì các mục tiêu mà họ vẽ ra chỉ là sự che đậy. Tình cảm của người dân dành cho các nhân viên y tế đã có sẵn, không cần bất kỳ ai bồi thêm theo kiểu để lợi dụng cả.
Ngành y tế đang rất cần bổ sung nhiều nguồn lực để chống dịch. Nhưng, tôi tin là nhiều bác sĩ (trừ những người làm quảng cáo cho nhãn hoặc có liên quan khác) sẽ không muốn nhận những đồng tiền được cho theo kiểu này…. Tôi và gia đình sẽ chính thức tẩy chay hãng sữa ấy!”.
Đồng quan điểm với anh T.A, tài khoản facebook V.P.A nói về việc phát động quỹ của VitaDairy rằng: “Dưới góc độ là người dùng mạng xã hội - tương đương micro influencer, thì giá 10k/share là mạt hạng. Thứ hai, dưới góc độ là người làm marketing, tôi cần có trách nhiệm với nghề nghiệp và cộng đồng ở điểm, thương hiệu đó có đủ tiêu chuẩn để tôi chia sẻ hình ảnh không? Thứ ba, dưới góc độ là người, thì xin lỗi các liền anh liền chị lý trí hộ.
Để đóng góp 10 nghìn thì xin lỗi mình sẵn lòng nhắn tin hoặc chuyển khoản trực tiếp cho các bệnh viện và tổ chức y tế nhé. Tóm lại, không share”.
Tương tự, Facebooker V.T.A. viết: “Sự thiếu đạo đức thể hiện qua từng cái nhỏ nhất, khẩu trang, găng tay thì thu gom bán lại giá cắt cổ, lợi dụng dịch bệnh thì thi nhau tặng quà thực ra là PR bỏ ra vài đồng gọi như kiểu bố thí. Thực sự tính nhân văn của những người, những bộ phận này đang ngày càng nhiều lên”.
Trái ngược với các ý kiến trên, facebook A.Q.L lại cho rằng: ”Có ai cho không ai đâu, nhất là thời điểm khó khăn này, mỗi doanh nghiệp phải tìm mọi cách để sinh tồn, tăng doanh thu, không vậy sao cạnh tranh nổi. Biết là lợi dụng nhưng nhau để phát triển, có người chọn cách này, người chọn cách kia. Chứ tư tưởng tự cung tự cấp, tự thân vươn lên thì mấy ai làm được”.
Facebook Đ.V.H. thì nhấn mạnh: “Mùa dịch này đâu đâu cũng khó khăn, doanh nghiệp cũng vậy, họ có lòng ủng hộ và "nếu họ có" mong muốn được truyền thông, truyền tải rộng rãi qua cách này thì hãy suy nghĩ hành động ủng hộ của họ sẽ được lan tỏa rộng rãi hơn”.
“Doanh nghiệp thay vì chi tiền quảng cáo trên tivi thì họ chi cho chiến dịch này. Như vậy, rất bình thường vì lợi cả đôi đường, bác sĩ cũng có kinh phí chống dịch, doanh nghiệp được người tiêu dùng biết đến”, facebook Ng.R. nêu quan điểm.
Trong khi, Facebook H.N, là một người đang công tác trong ngành y, nhìn nhận: Những người đầu tiên chia sẻ các hình ảnh bảo vệ các bác sĩ theo hashtag VitaDairybaovebacsi24h là các nhân viên y tế, và những người phản đối lại là dân... ngoài ngành.
“Chỉ mỗi 1 hashtag cùng bức ảnh đăng trên Facebook, bạn đã được trả 10 nghìn đồng để góp phần mua áo bảo hộ tặng các nhân viên y tế. Vui thế có gì mà không làm? Nghe thật đau lòng. Hồi COVID-19 đợt 1, họ - những người bạn của mình đã tài trợ rất nhiều máy móc và trang thiết bị cho bệnh viện mà không yêu cầu bất cứ một lời cảm ơn nào. Đến giờ, số máy đó lại tiếp tục dùng cho các bệnh nhân trong bệnh phòng. Hơn ai hết, mình luôn hiểu sự tử tế luôn bị ngờ vực. Nhưng không sao cả, mỗi tấm lòng cho đi chúng ta sẽ có được nhiều vui vẻ”, facebook H.N bày tỏ.
Trước đó, ngày 1/8 tại Hà Nội, VitaDairy trao tặng 2 tỷ đồng cho Bộ Y tế, bao gồm 2.000 bộ trang phục bảo hộ và thực phẩm bổ sung,chuyển tới đội ngũ y bác sĩ đang chiến đấu cùng dịch trên toàn quốc, đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ tại Đà Nẵng.
Được biết, trong cuộc “chiến” chống đại dịch COVID-19 có rất nhiều doanh nghiệp trong nước đã chung tay tài trợ, với kinh phí lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Điển hình là gần đây nhất vào ngày 31/7, Tập đoàn Vingroup đề nghị tài trợ khẩn cấp 100 máy thở xâm nhập VFS 510. Sẵn sàng cho mượn trang thiết bị y tế và điều động nhân lực y tế từ hệ thống Bệnh viện Vinmec của Tập đoàn để hỗ trợ bệnh viện dã chiến đang thành lập tại Đà Nẵng.
Bệnh viện Vinmec Đà Nẵng sẵn sàng tiếp nhận các ca bệnh cần có phương tiện đặc biệt để xử lý như bệnh nhân có chỉ định can thiệp mạch vành, chấn thương xương, chấn thương sọ não... theo chỉ trả của bảo hiểm y tế hoặc theo đơn giá mức chỉ trả của các bệnh viện công.
Với mong muốn tiên phong, kêu gọi các thành phần trong xã hội cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 để người dân Đà Nẵng được yên tâm và góp phần trấn an xã hội, Vingroup đã có hành động đầy tính nhân văn, đúng thời điểm mà không nhằm mục đích “đánh bóng” tên tuổi. Vì điều này, Vingroup nhanh chóng nhận được những lời khen ngợi, khâm phục và nể trọng từ phía người dân cả nước.
Khánh Hoài