Trần Phương Bình: Năm tháng thăng hoa, cuối đời xuống dốc

Google News

DongABank dưới thời ông Trần Phương Bình cũng có những năm tháng thăng hoa nhưng rồi xuống dốc gặp khó khăn tột bậc.

Nổi danh nhanh chóng
Vài năm gần đây, giới đầu tư chứng kiến sự nổi lên nhanh chóng của một số ngân hàng. Cuộc cách mạng về công nghệ thời đại vạn vật kết nối đang mở ra cơ hội cho nhiều tổ chức tín dụng nhỏ và vừa vượt lên nhanh chóng, có lợi nhuận ngang tầm các ông lớn. Nhưng trước đó cả gần thập kỷ, đã có nhà lãnh đạo có tầm nhìn rất xa về công nghệ.
Ngân hàng TMCP Đông Á - DongABank (DAF) dưới thời ông Trần Phương Bình cách đây gần thập kỷ cũng đã ghi dấu là một hiện tượng như vậy trên thị trường tài chính ngân hàng trong nước. Quyết định tiên phong trong lĩnh vực công nghệ, với con đường riêng, tập trung vào khách hàng cá nhân đã giúp thương hiệu DongABank nổi bật trên thị trường.
Từ một NH nhỏ bé, với vốn điều lệ 20 tỷ đồng từ 1992, DongABank đã trở thành NH có quy mô vốn 5 ngàn tỷ đồng vào năm 2014.
DongABank thăng hoa nhờ công nghệ. 
Sự nổi bật về công nghệ, từ ATM bán vàng tự động, ATM lưu động, các buồng Auto Banking thế hệ mới có chức năng nhận tiền mặt trực tiếp… đã giúp DongABank thu hút hàng triệu khách hàng cá nhân lựa chọn.
Ngay trong giai đoạn đầu hình thành, 1993-1998, DongABank đã tập trung nguồn lực hướng đến khách hàng cá nhân và DN vừa và nhỏ (SME), tới các sản phẩm dịch vụ mang tính mới mẻ trên thị trường như dịch vụ thanh toán quốc tế, chuyển tiền nhanh và chi lương hộ.
Giai đoạn 1999-2002, DAF tiếp tục đẩy mạnh nhận vốn ủy thác quốc tế và đẩy mạnh tín dụng cho DN SMEs. Song song đó, DAF thành lập Trung tâm Thẻ DongABank và phát hành thẻ Đông Á. Đây cũng là năm đánh dấu việc tham gia vào hoạt động thể thao với việc nhận chuyển giao đội bóng Công an TP.HCM, lập CTCP Thể thao Đông Á (CLB Bóng đá NH Đông Á).
Từ 2003 đến 2007, DongABank đạt con số 2 triệu khách hàng sử dụng Thẻ Đa năng chỉ sau 4 năm phát hành thẻ, trở thành NHTMCP dẫn đầu về tốc độ phát triển dịch vụ thẻ và ATM tại Việt Nam. DAF cũng là NH đầu tiên phát triển và triển khai thêm 2 kênh giao dịch: NH Đông Á Tự động và NH Đông Á Điện Tử, đồng thời triển khai thành công dự án chuyển đổi sang core - banking, giao dịch online toàn hệ thống. Đây là bước ngoặt hoạt động để cả hệ thống có thể kết nối, NH có thể kiểm soát được hoạt động tốt hơn, hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất. Doanh số thanh toán quốc tế vượt 2 tỷ USD.
Giai đoạn 2008- 2012, DongA Bank là NH đầu tiên tại Việt Nam sở hữu nhiều dòng máy ATM hiện đại như: máy ATM TK21 - Kỷ lục Việt Nam năm 2007 (nhận tiền mặt trực tiếp 100 tờ với nhiều mệnh giá khác nhau trong 1 lần gửi), sản phẩm ATM lưu động (Kỷ lục Việt Nam năm 2010), máy H38N và nhiều dòng máy ATM hiện đại khác. Số lượng khách hàng sau đó đã tăng lên 6-7 triệu người nhờ mạng lưới rộng khắp từ thành thị tới nông thôn. Số máy ATM lên tới 1,4 ngàn đơn vị, 1,5 ngàn POS, kết nối thành công với 3 hệ thống liên minh thể VNBC, Smarklink và Banknetvn.
Thời gian này, DAF phát triển rực rỡ và được đánh giá là một trong những NH có chất lượng dịch vụ hàng đầu tại Việt Nam. Kết quả kinh doanh của DAF nửa thập kỷ trước đây cũng thuộc hàng đầu trên thị trường.
Trong giai đoạn 2006-2011, DongABank luôn đạt tăng trưởng cao, cổ tức chi trả cho cổ đông thuộc tốp đầu trên thị trường, có thời điểm cao gấp đôi so với lãi suất gửi NH. Năm 2011, thu nhập lãi thuần của DAF đạt gần 2,5 ngàn tỷ đồng, tăng 80% so với năm liền trước. Lợi nhuận sau thuế lên tới gần 950 tỷ đồng - một con số mà nhiều NH lớn cũng phải mơ ước.
Những sai lầm và sự tuột dốc
Nhìn vào kết quả lợi nhuận của DAF 2011, nhiều NĐT thực sự tiếc nuối. Trên thực tế, 2 năm sau đó, lãi ròng từ hoạt động tín dụng vẫn ở mức cao, trên 2,2 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế đã giảm mạnh. Sau 3 năm, lợi nhuận sau thuế của DAF chỉ còn chưa tới 27 tỷ đồng (2014), giảm tới hơn 90% so với năm trước. Thu nhập lãi ròng của DAF cũng rớt mạnh còn chưa tới 1,5 ngàn tỷ đồng vào năm 2014. DAF bắt đầu không trả cổ tức.
"Con thuyền" DongABank gặp khó khăn vì BĐS, vàng. 
Nguyên nhân được ông Trần Phương Bình thừa nhận và trong kết quả thanh tra là do “nợ xấu” khó đòi. Sâu xa hơn, nhiều NĐT cho rằng, là do DAF đã chệch hướng trong giai đoạn kinh tế thế giới suy thoái và thị trường BĐS sốt nóng.
Thay vì hướng vào bán lẻ, tới các DN SMEs, tín dụng đã chảy mạnh vào lĩnh vực BĐS sốt nóng. Bên cạnh đó, DAF cũng gặp rất nhiều khó khăn khi trong bối cảnh giá vàng thế giới tụt giảm mạnh ngoài dự báo.
Tại Đại hội cổ đông DAF 2015, nhiều cổ đông đã chất vấn về các khoản nợ xấu của NH. Những khoản nợ xấu hàng trăm tỷ đồng tại một DN BĐS và những khoản vay mới được xới lên. Câu chuyện bơm tiền để nuôi nợ đã được đặt ra. Tuy nhiên, tất cả đều không có câu trả lời thỏa đáng.
Năm 2014, DAF còn chứng kiến một lượng tiền lớn lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng phải để lại cho dự trữ bắt buộc và dự phòng thanh khoản. Đây là khoản tiền rất lớn so với quy mô của DAF và được nhiều NĐT cho rằng có phần nào đó liên quan tới hoạt động kinh doanh vàng của NH này.
DongABank được biết đến là một NH được tham gia bình ổn thị trường vàng nội địa. NH Này có cổ đông lớn là Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận - PNJ (do bà Cao Thị Ngọc Dung, vợ ông Trần Phương Bình làm chủ tịch). Cú giảm giá kỷ lục của giá vàng thế giới, từ đỉnh cao 1.920,3 USD một ounce đạt được vào tháng 9/2011 xuống sát 1.000 USD/ounce vào cuối 2015 có thể đã ảnh hưởng nhiều tới DAF.
Trong quá trình tái cấu trúc, DongABank đã nhiều lần hé lộ khả năng có đối tác chiến lược, từ ABBank, Kinh Đô cho tới một số “NĐT nước ngoài”. Tuy nhiên, tại ĐHCĐ 2015, NH này đã xác nhận các mối lương duyên không thành. Tại cuộc họp, Chủ tịch DAF Cao Sỹ Kiêm cũng đã bất ngờ xin từ chức vì “lý do cá nhân”. Tháng 8/2015, DongABank trở thành NH đầu tiên được NHNN công khai tình trạng bị kiểm soát đặc biệt trong đợt tái cấu trúc giai đoạn 2011 - 2015.
Chiều 20/8/2015, ông Trần Phương Bình bị đình chỉ chức vụ TGĐ. Ngày 11/12/2016, ông Bình bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an (C46) khởi tố và bắt tạm giam với 2 tội: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng quy định tại Điều 165 và Điều 179 Bộ luật Hình sự.
Mời quý độc giả xem video về tỷ phú Jack Ma (nguồn VTV):
Theo M.Hà/Vietnamnet