Yêu cầu gỡ bỏ sản phẩm kẹo Hamer bán trên các website thương mại điện tử
Mới đây, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã có yêu cầu rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm kẹo sâm Hamer có chứa N – desmethyl Tadalafil là dược chất cấm dùng điều trị rối loạn cương dương.
Trước đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết đã nhận được công văn của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phản ánh một số website, ứng dụng thương mại điện tử đang bán các sản phẩm kẹo Hamer có chứa N – desmethyl Tadalafil là dược chất cấm dùng điều trị rối loạn cương dương (theo phản ánh của cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HSA)).
Các sản phẩm này được mô tả với công dụng “hỗ trợ tốt cho việc rối loạn cương dương, khắc phục tình trạng lãnh cảm, suy giảm ham muốn sinh lý”.
|
Kẹo sâm Hamer được rao bán trên một trang thương mại điện tử. Ảnh chụp màn hình |
Kẹo sâm Hamer bán tràn lan trên các website và Facebook
Theo tìm hiểu, kẹo Hamer đang được rao bán tràn lan trên mạng. Chỉ cần gõ từ khóa kẹo Hamer là xuất hiện hàng loạt kết quả hiện lên trong vài giây. Người mua có thể dễ dàng tìm thấy địa chỉ, số điện thoại của nhiều cửa hàng bán kẹo Hamer.
Giá mỗi viên kẹo sâm cường dương Hamer dao động từ 50.000-90.000 đồng/viên, tùy nơi bán. Một trang thương mại điện tử rao bán hộp 10 viên với giá 500.000 đồng. Một trang khác lại rao bán hộp 30 viên với giá 1,8 triệu đồng.
Đáng chú ý, có những loại kẹo sâm Hamer được rao bán với giá 105.000 đồng/viên. Người bán cam kết đó mới là hàng chính hãng.
Không chỉ trên các sàn thương mại điện tử, kẹo sâm Hamer còn được rao bán nhiều trên mạng xã hội Facebook với nhiều mức giá khác nhau. Khách mua chỉ cần để lại số điện thoại phía dưới bài đăng là người bán sẽ liên lạc để tư vấn cụ thể. Thậm chí, có người bán còn miễn phí ship toàn quốc cho khách hàng.
|
Kẹo sâm được rao bán trên Facebook. Ảnh chụp màn hình |
Kẹo sâm được quảng cáo có tác dụng cường dương là loại kẹo sâm có tên Hamer. Đáng chú ý, đây là một trong 7 loại thực phẩm mà Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HSA) phát đi cảnh báo có chứa chất cấm. Chất cấm này là chất N-desmethyl Tadalafil, được sử dụng để kích dục.
Sau khi có cảnh báo của HSA, Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế ngay lập tức tiến hành rà soát nội bộ. Kết quả cho thấy từ tháng 9/2014 đến nay, các sản phẩm được cảnh báo chưa được cấp công bố tại Cục nhập khẩu vào Việt Nam.
Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm được Cơ quan Khoa học Y tế Singapore (HSA) cảnh báo và báo với cơ quan chức năng gần nhất nếu phát hiện tổ chức, cá nhân có bán các sản phẩm này.
Để bảo vệ an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số yêu cầu các thương nhân, tổ chức cá nhân sở hữu các website, ứng dụng thương mại điện tử cần rà soát các sản phẩm Kẹo Hamer và hiệu lực của giấy phép tự công bố sản phẩm Kẹo Hamer được bày bán trên các website, ứng dụng. Đồng thời có các biện pháp xử lý đối với các sản phẩm, người bán trên các website và ứng dụng thương mại điện tử (nếu có).
Triển khai các biện pháp kỹ thuật, nhân sự kiểm duyệt nhằm ngăn chặn, loại bỏ và xử lý các sản phẩm kẹo sâm cường dương như Hamer.
Cục TMĐT và KTS thông báo để các thương nhân, tổ chức, cá nhân biết và thực hiện.
Hoàng Minh