Công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh (TAG) vừa xin ý kiến cổ đông thông qua việc bán cổ phần cho Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG).
Thế Giới Di Động sẽ thực hiện các giao dịch nhận chuyển nhượng cổ phiếu của Trần Anh, dẫn đến tỷ lệ sở hữu đạt trên 25% vốn điều lệ của Trần Anh. Các giao dịch này sẽ không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai.
Trước đó, ông chủ Thế Giới Di Động từng cho biết Điện Máy Xanh là một hệ thống bán lẻ lớn, nên Thế Giới Di Động sẽ không mua một lượng cổ phần nhất định để làm đối tác, mà ít nhất sẽ mua cổ phần chi phối, hoặc mua “đứt” luôn chuỗi điện máy đó.
|
Biến động giá cổ phiếu TAG từ đầu năm 2017 đến nay. Đồ họa: Stockbiz. |
Tính đến hết quý I, vốn góp của chủ sở hữu tại Trần Anh là 249 tỷ đồng. Vốn hóa trên thị trường chứng khoán đạt gần 940 tỷ đồng.
Nếu việc thâu tóm trên 25% vốn tại Trần Anh diễn ra, số tiền tối thiểu Thế Giới Di Động phải chi ra là 235 tỷ đồng theo giá thị trường của cổ phiếu Trần Anh.
Trong lần lấy ý kiến cổ đông này, một nội dung đáng chú ý là Trần Anh xin ý kiến cổ đông thông qua phương án hủy niêm yết tự nguyện tại Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).
Theo đánh giá của giới chuyên gia, nếu thương vụ thâu tóm của Thế Giới Di Động với Trần Anh hoàn tất, việc hủy niêm yết tự nguyện trên HNX của Trần Anh là bước đầu tiên cho việc thực hiện hoán đổi toàn bộ cổ phần của đơn vị này với cổ phần của Thế Giới Di Động.
Trước đó, một cuộc tháo chạy cổ phiếu của hàng loạt lãnh đạo Trần Anh đã diễn ra. Các thương vụ thoái vốn của nhiều lãnh đạo Trần Anh đều diễn ra trong thời gian từ 12/8 đến 11/9, với phương thức bán cổ phiếu qua sàn.
Cụ thể, ông Trần Thanh Tùng, Giám đốc Tài chính, đăng ký bán qua sàn 147.654 cổ phiếu TAG, tương đương 0,592% vốn. Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng ban kiểm soát, bán toàn bộ 4.528 cổ phiếu, tương đương 0,02% vốn công ty. Bà Đỗ Thị Ngọc Anh, Trưởng phòng Tài chính Kế toán cũng bán toàn bộ 27.485 cổ phiếu, tương đương 0,11% vốn.
Hồi đầu tháng, khi ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động cho biết công ty gần như đã đàm phán xong việc mua lại một chuỗi điện máy lớn tại Hà Nội, nhiều người đã dự báo đó chính là Trần Anh.
Đến nay, dù chưa công bố hợp đồng chuyển nhượng chính thức, cả 2 bên đã tiến hành lấy ý kiến cổ đông để thông qua thương vụ mua bán sáp nhập này.
Tại Trần Anh, tính đến hết năm 2016, ông Trần Xuân Kiên, Chủ tịch HĐQT và vợ là bà Đỗ Thị Thu Hường nắm tổng cộng 11 triệu cổ phiếu TAG, tương ứng tỷ lệ sở hữu 44% vốn công ty.
Chị vợ ông Kiên là bà Đỗ Thị Kim Liên sở hữu 5,88% vốn. Hai vợ chồng em gái ông Kiên là bà Trần Thị Vân Trang và Hoàng Anh Tuấn nắm giữ 6% vốn của Trần Anh.
Ngoài ra, một lượng lớn cổ phần còn lại, với 30,82% vốn điều lệ, tương đương khoảng 7,7 triệu cổ phiếu TAG, do tập đoàn Nojima của Nhật nắm giữ.
Theo Dương Thùy/ DIễn Đàn Doanh Nghiệp