Thượng vàng hạ cám
Tại thị trường TP.HCM, nguồn cung dồi dào đang khiến cho giá bán các loại trái cây ngoại nhập giảm mạnh. Ở cửa hàng chuyên bán trái cây nhập khẩu ở quận 9, ghi bảng giá cherry size 10 nhập từ Mỹ giá 359.000 đồng/kg. 2 loại cherry khác có kích thước lớn hơn giá dao động từ 389.000 – 459.000 đồng/kg.
Giá này vẫn chưa phải rẻ nhất, tại một cửa hàng ở quận Thủ Đức, giá cherry Mỹ trên kệ dao động từ 280.000 – 380.000 đồng/kg tùy kích thước. Theo quảng cáo của chủ cửa hàng này, đây là loại cherry được chuyển thẳng từ nhà vườn ở Mỹ về, vì đang vào cuối vụ nên giá giảm mạnh. So với cùng kỳ năm trước, giá cherry năm nay giảm từ 20% - 30%.
|
Tính đến tháng 7/2019, TP.HCM nhập khoảng 800 tấn cherry. |
Khảo sát của PV Infonet cho thấy, bên cạnh cherry, các loại nho nhập từ Mỹ như nho xanh Autumn hay nho xanh Baravan cũng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Giá các mặt hàng này dao động từ 300.000 – 340.000 đồng/kg. Mặt hàng nho nhập từ Hàn Quốc lại có giá bán cao hơn, như nho mẫu đơn giá 550.000 đồng/kg, nho Kyoho bán 400.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, các loại táo nhập từ New Zealand lại có giá mềm hơn. Như táo Rockit bày bán giá 150.000 đồng/kg, táo Diva 120.000 đồng/kg. Có giá bán thấp nhất là táo Envy, chỉ 99.000 đồng/kg.
Làm sao để phân biệt cherry “xịn”?
Theo bà P.K, chủ một cửa hàng bán trái cây ngoại nhập tại quận 1, TP.HCM, trong các loại trái cây nhập thì cherry là mặt hàng được tiêu thụ mạnh nhất, có ngày cửa hàng bán cả trăm kg. Người mua thường hỏi mua cherry nhập từ Mỹ hoặc Úc.
Tuy vậy, thị trường hiện có nhiều loại cherry được quảng cáo nhập khẩu từ Mỹ, Úc có giá bán thấp hơn thị trường từ 100.000 – 200.000 đồng mỗi kg, dao động từ 180.000 – 230.000 đồng/kg. Thực chất, đây là loại cherry nhập từ Trung Quốc.
Theo chủ cửa hàng này, với những người chưa có kinh nghiệm rất dễ mua lầm cherry Trung Quốc. Từ tháng 5 đến cuối tháng 8 là thời điểm cherry Mỹ vào mùa thu hoạch. Còn mùa vụ của cherry Úc thường rơi vào từ tháng 12 đến tháng 2 năm sau. Tận dụng thời gian mùa vụ này, cherry Trung Quốc cũng bán tràn lan, nhưng giá cả lại rẻ hơn khiến người tiêu dùng lúng túng khi chọn mua.
“Nhìn sơ qua rất khó để biết được đâu là cherry Mỹ, Úc và đâu là cherry Trung Quốc, thế nhưng vẫn có cách phân biệt. Cherry Mỹ, Úc có màu đỏ tươi hoặc đỏ sẫm, sáng bóng, cầm vào cảm giác chắc tay, nhìn mọng nước nhưng không nhũn, có vị ngọt và thanh dịu.
Với điều kiện bảo quản dưới 10 độ C thì những loại cherry này chỉ giữ được tầm 1 tuần đến 10 ngày. Trong khi đó, cherry Trung Quốc giữ tươi lâu hơn, trái mềm, ăn vào có vị ngọt nhưng không dịu, thậm chí còn có vị chua”, bà P.K chia sẻ.
Thống kê từ Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2019 có hơn 400 ngàn tấn hoa quả nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Sau Trung Quốc, các quốc gia đứng đầu xuất khẩu trái cây sang Việt Nam là Thái Lan, Mỹ, các nước châu Âu, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật, Chile, Canada, Nam Phi, Ai Cập…
Số liệu từ Cục Hải quan TP.HCM, tính đến tháng 7/2019, có khoảng 800 tấn cherry được nhập về thị trường thành phố. Cherry Mỹ chiếm 349 tấn, tổng giá trị 2,81 triệu USD. Trong khi đó, cherry nhập từ Úc có mức tăng trưởng mạnh, 6 tháng đầu năm đã có 250 tấn nhập về Việt Nam.
Theo Phương Anh Linh /Infonet