Theo quyết định của UBND TP.HCM, ngày 31/3 là thời hạn cuối cùng các cơ sở giết mổ thủ công trên địa bàn phải di dời về các nhà máy công nghiệp, giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến thực phẩm tập trung. Tuy nhiên, đang xuất hiện tình trạng chủ cơ sở giết mổ thủ công mang heo sang Long An, Bình Dương (các địa phương giáp ranh TP.HCM),... để giết mổ, sau đó đưa sản phẩm thịt ngược về TP.HCM tiêu thụ.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Lê Văn Thành, đại diện Nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm An Hạ (huyện Củ Chi) dẫn chứng, các nhà máy giết mổ công nghiệp hiện đại sẽ gặp khó nếu TP.HCM không ngăn chặn triệt để nguồn heo giết mổ thủ công từ các địa phương đổ về.
“Có khoảng 1.500-2.000 con heo/ngày được giết mổ thủ công từ các tỉnh, sau đó đưa về thành phố tiêu thụ”, ông Thành ước tính.
Điều này đưa tới nghịch lý, trong khi TP.HCM ra lệnh đóng cửa tất cả các cơ sở giết mổ thủ công trên địa bàn thì sản phẩm thịt được giết mổ từ các lò thủ công tại các tỉnh lân cận lại được vận chuyến ngược về thành phố để cung cấp cho người dân.
Nhà máy giết mổ công nghiệp sẽ khó cạnh tranh được với các điểm giết mổ thủ công. (Ảnh minh họa: Tâm An)
Với mức đầu tư 300 tỷ đồng, công suất thiết kế giết mổ 3.000 con heo/ngày nhưng Nhà máy An Hạ hiện mới đạt 1/5 công suất thiết kế, lý do cũng bắt nguồn từ thực trạng trên. Sở dĩ, thương lái không muốn vào cơ sở giết mổ công nghiệp một phần do họ quen với giết mổ gia súc, gia cầm thủ công. Ngoài ra, chi phí giết mổ công nghiệp đang ở mức 100.000-120.000 đồng/con, đắt gấp đôi chi phí thủ công. Đây cũng là một phần khó khăn cho thương lái.
Trả lời câu hỏi của PV. VietNamNet trước việc thịt heo được giết mổ ở các tỉnh rồi đưa về TP.HCM tiêu thụ, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, thừa nhận có tình trạng trên.
Ông Hiệp cho hay, TP.HCM đang tiêu thụ từ 10.000-11.000 con heo/ngày, trong đó, lượng heo giết mổ tại thành phố đáp ứng khoảng 50% nhu cầu tiêu dùng; khoảng 2.000 con được giết mổ thủ công từ các tỉnh đưa về; số còn lại là heo đông lạnh nhập khẩu. Nhưng lượng heo giết mổ tại các tỉnh vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm và được kiểm soát chất lượng tại các chợ đầu mối.
Thời gian đầu khi ngưng hoạt động cơ sở giết mổ thủ công, chuyển sang các nhà máy giết mổ công nghiệp sẽ không tránh khỏi những bất cập trong sản xuất, kinh doanh. Một số thương lái chưa đưa heo vào giết mổ tại các nhà máy công nghiệp do còn nghi ngại như chi phí cao, quầy thịt không đẹp, không được giám sát trực tiếp các công đoạn giết mổ...
Tuy nhiên, ông Hiệp cho rằng, nguồn thịt heo được giết mổ tại thành phố vẫn có nhiều lợi thế, đặc biệt là gần nơi tiêu thụ, khả năng đưa sản phẩm vào chợ đầu mối, các cửa hàng chuyên doanh, siêu thị... thuận tiện hơn, chưa kể sau này còn tính đến xuất khẩu.
Theo Trần Chung/Vietnamnet