Top 5 "nữ tướng" quyền lực trên thương trường Việt

Google News

Bản lĩnh, đầy quyết tâm, nhiều nữ doanh nhân Việt đã tự đứng trên đôi chân của mình, chèo lái các công ty, tập đoàn lớn với doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Đây là chân dung những nữ doanh nhân thành đạt nhất trên thương trường Việt và được Forbes vinh danh trong top 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019.
Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam cũng là nữ tỷ phú tự thân giàu nhất Đông Nam Á với khối tài sản trị giá 2,5 tỷ USD. Lên sàn năm 2017, hiện Vietjet là một trong những doanh nghiệp lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam với vốn hóa thị trường đạt hơn 72.000 tỷ đồng (3,1 tỷ USD). Bà Thảo cũng là phó chủ tịch và nắm cổ phần lớn tại ngân hàng HDBank và là CEO Vietjet Air.
Năm 2018 là năm vị nữ tỷ phú USD của Việt Nam nhận được nhiều sự công nhận từ quốc tế. Bà Thảo được xướng tên trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2018 (xếp ở vị trí thứ 44) của tạp chí Forbes, đồng thời lọt nhóm 50 nhà lãnh đạo tiêu biểu toàn cầu năm 2018 của hãng tin Bloomberg.
Top 5
 
Với Vietjet, hãng hàng không này đạt tổng doanh thu đạt 52.400 tỷ đồng trong năm qua, tăng 24% so với năm trước và đạt 103% so với kế hoạch. Tổng lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt 5.830 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước.
Mới đây tạp chí Forbes vừa công bố danh sách 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2019 (Asia's Power Businesswomen). Các nữ doanh nhân này đến từ nhiều quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore… và tham gia nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau.
Việt Nam có 2 đại diện là bà Nguyễn Thị Phương Thảo - nhà sáng lập và Tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet.
Bà Trần Thị Lệ, Tổng giám đốc NutiFood
Bà Trần Thị Lệ, 46 tuổi, xuất thân là bác sĩ tại trung tâm dinh dưỡng nhưng chuyển hướng sang kinh doanh. Cùng với chồng là ông Trần Thanh Hải, bà Lệ đã đưa NutiFood thành nhà sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng hàng đầu Việt Nam.
Năm 2016, NutiFood đạt doanh thu khoảng 7.500 tỷ đồng, tăng trưởng 11% so với năm 2015. Năm qua, NutiFood hoàn tất thủ tục hủy tư cách công ty đại chúng khi gia đình nữ doanh nhân này tăng tỉ lệ sở hữu trực tiếp và gián tiếp, giảm số cổ đông của NutiFood xuống dưới 100 người
Ngày 18/1/2018, sau 18 năm thành lập, NutiFood trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên xuất khẩu được sản phẩm sữa bột pha sẵn Pedia Plus sang thị trường Mỹ (nơi kiểm nghiệm tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt nhất thế giới) với đơn vị phân phối là Delori. Theo kế hoạch, doanh thu xuất khẩu năm đầu tiên của NutiFood vào thị trường Mỹ khoảng 20 triệu USD.
Top 5
 
Tháng 4/2019, bà Trần Thị Lệ cũng là một trong 2 gương mặt nữ doanh nhân của Việt Nam được bầu chọn trong 21 nữ doanh nhân thành công trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Công ty Ernst &Young thực hiện.
CEO Trần Thị Lệ và Chủ tịch Trần Thanh Hải đặt tham vọng đưa NutiFood vượt ra khỏi biên giới Việt Nam bằng việc đầu tư ra nước ngoài thông qua các hoạt động liên doanh, mua bán và sáp nhập.
Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk
Sinh năm 1953, tại Pháp, bà Mai Kiều Liên tốt nghiệp đại học tại Mátxcơva chuyên ngành Chế biến sữa và thịt và có chứng chỉ Quản lý kinh tế – Đại học Kỹ sư Kinh tế Leningrad.
Được bổ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Vinamilk vào năm 1992, bà quyết tâm cổ phần hóa doanh nghiệp sữa này nhằm tạo ra động lực làm việc mới, khuyến khích cán bộ công nhân viên sáng tạo, đổi mới.
Top 5
 
Năm 2017, Vinamilk đã đạt được những con số đáng ghi nhận như doanh thu 51.041 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 4.200 tỷ đồng và giá trị thương hiệu đạt 2.2 tỷ đô la Mỹ. Vốn hóa của Vinamilk hiện đạt hơn 10 tỷ đô la Mỹ, tăng gấp 100 lần so với thời điểm niêm yết năm 2006. Các sản phẩm của Vinamilk hiện đã có mặt tại 43 nước trên thế giới. Năm 2018, Vinamilk đạt lợi nhuận trước thuế 12.039 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10.198 tỷ đồng.
Liên tiếp giữ các vị trí then chốt trong công ty, đặc biệt hai chức vụ quan trọng nhất là chủ tịch và tổng giám đốc Vinamilk, bà Mai Kiều Liên là nữ doanh nhân duy nhất của Việt Nam có mặt liên tiếp từ năm 2012-2015 trong danh sách 50 Nữ Doanh nhân Quyền lực nhất châu Á do Forbes bình chọn và được trao tặng giải thưởng Nikkei Asia Prize của Nikkei Inc.
"Nữ tướng" PNJ Cao Thị Ngọc Dung
"Nữ tướng" ngành vàng bạc Cao Thị Ngọc Dung thành công vang dội khi điều hành chuỗi bán lẻ vàng bạc trang sức hàng đầu cả nước, bà sinh năm 1957 tại Quảng Ngãi, trong một gia đình khá giả. Bà và ông Trần Phương Bình có 3 người con gái, đều du học tại Mỹ.
Bà Cao Thị Ngọc Dung từng nắm giữ vai trò Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), trong một thời gian dài.
Trước đấy bà còn đảm nhiệm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Á, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Năng lượng Đại Việt… và nhiều vị trí ở những công ty khác nhau. Ít người biết rằng, “đế chế trang sức” PNJ từng cán mốc doanh thu 10.000 tỷ vào năm 2009, tiếp tục tăng lên gần 14.000 tỷ vào năm 2010 và cán mốc 18.000 tỷ vào năm 2011.
Top 5
 
Năm 2017, PNJ mới trở lại mốc “doanh thu vạn tỷ” với 11.049 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận đã gấp 3,3 lần năm 2009, gấp 3,4 lần năm 2010 và gấp 2,9 lần năm 2011. Hay theo cách tính toán khác, lợi nhuận năm 2017 của PNJ cao hơn lợi nhuận của cả năm 2009, năm 2010 và năm 2011 cộng lại.
Thành quả ấy gắn liền với sóng gió cuộc đời và nỗ lực thay đổi PNJ của một trong những nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á - bà Cao Thị Ngọc Dung.
Tham vọng lớn nhất của “nữ tướng” Cao Thị Ngọc Dung là đưa PNJ trở thành một tập đoàn bán lẻ trang sức hàng đầu trong khu vực.
Bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng giám đốc IPP
Lần đầu tiên bà Lê Hồng Thủy Tiên - vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn có tên trong danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 do Forbes công bố.
Bà Lê Hồng Thủy Tiên sinh năm 1970 tại Hà Nội trong một gia đình có 5 anh chị em. Bà là một trong những nhân tố tạo nên hình ảnh của “thế hệ vàng” trong nền điện ảnh Việt Nam những năm 80-90 với dàn diễn viên như Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh…
Năm 1993, bà quyết định dự thi tuyển làm tiếp viên hàng không cho Hãng Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Cũng trong thời gian này, qua những chuyến bay, bà gặp và kết duyên với doanh nhân Việt kiều Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn IPP.
Top 5
 
Hiện bà Lê Hồng Thủy Tiên đang điều hành 18/32 công ty con của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương với trên 96 thương hiệu nổi tiếng trên thế giới.
Năm 2013, bà Thủy Tiên được tờ Guardian nhận định là một trong những người phụ nữ giàu nhất Việt Nam và là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực các mặt hàng xa xỉ của thế giới, cùng các khu siêu thị và thương mại lớn.
Bà cũng lọt vào danh sách 500 người có ảnh hưởng nhất làng thời trang thế giới do Tạp chí Business of Fashion (BOF) công bố và được tôn vinh “doanh nhân nữ ASEAN tiêu biểu” lần thứ II vào năm 2016.
Theo Kiều Trang/ĐSPL