Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phan Quốc Việt - Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, để điều tra về những sai phạm trong việc nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19.
C03 cũng bắt tạm giam Phạm Duy Tuyến - Giám đốc CDC Hải Dương, và các bị can là lãnh đạo, nhân viên của Công ty Việt Á. Những người này bị điều tra về tội "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
|
Bị can Phan Quốc Việt - Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á. |
Theo cơ quan điều tra, tại Hải Dương mỗi hợp đồng cung ứng kit xét nghiệm, giám đốc CDC đã được "lại quả" 20 - 25% giá trị hợp đồng. Việc bắt tạm giam các bị can trên chỉ là giai đoạn đầu của chuyên án làm rõ đường dây vi phạm pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh bộ trang thiết bị y tế xét nghiệm COVID-19.
Theo xác định ban đầu của cơ quan điều tra, Công ty Việt Á đến nay đã cung ứng kit xét nghiệm cho trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.
Trong quá trình điều tra, C03 đã phong tỏa, ngăn chặn, kê biên nhiều tài khoản, sổ tiết kiệm của Phan Quốc Việt và các đối tượng thuộc Công ty Việt Á trị giá trên 320 tỷ đồng, 100.000 USD, 20 bất động sản; 8 bất động sản của Phạm Duy Tuyến…
Trước đó, Công ty Việt Á đã trúng nhiều gói thầu tại các bệnh viện lớn trên cả nước như: Gói thầu cung ứng hóa chất năm 2016-2017 (thuốc, hóa chất, vật tư y tế) cho bệnh viện Quân y 175; gói thầu cung cấp hóa chất dung dịch khử khuẩn, dụng cụ xét nghiệm và sinh phẩm xét nghiệm năm 2018-2019 cho bệnh viện Da liễu trung ương.
Tại bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Công ty này trúng gói thầu cung cấp hóa chất sinh phẩm xét nghiệm chuyên khoa và dung dịch khử khuẩn. Gần đây, Công ty này trúng gói thầu cung cấp hóa chất vật tư tiêu hao theo máy và vật tư tiêu hao phục vụ xét nghiệm tại bệnh viện Bạch Mai.
Dư luận đặt nghi vấn, Công ty Việt Á cũng “trục lợi” khủng từ các gói thầu trúng ở các bệnh viện lớn trên cả nước?
Đáng chú ý, phần lớn tài sản của Công ty Việt Á hình thành từ nguồn vốn chủ sở hữu, tức không phụ thuộc vào vốn vay. Quy mô tổng tài sản đến cuối năm 2020 đạt hơn 1.200 tỷ đồng, trong đó hơn 1.000 tỷ là vốn chủ sở hữu.
Trong bốn năm từ 2016 đến 2019, hoạt động của doanh nghiệp này có xu hướng giảm dần khi doanh thu từ mức 166 tỷ giảm về còn 63 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ tiêu này đã tăng vọt lên hơn 400 tỷ đồng vào năm 2020, gấp hơn 6 lần năm 2019.
Đáng chú ý, năm 2020 cũng là năm mà Công ty Việt Á bắt đầu kinh doanh kit xét nghiệm COVID-19. Tháng 4/2020, Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành kit test Covid-19 đầu tiên do Việt Nam sản xuất.
Giai đoạn 2016-2019, Công ty này ghi nhận mức lợi nhuận chỉ vài trăm triệu đồng mỗi năm. Năm 2020, dù doanh thu hàng trăm tỷ đồng, Việt Á mới chỉ lãi gần 1,5 tỷ đồng.
Theo xác định ban đầu của cơ quan điều tra, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test COVID của các địa phương trên cả nước và việc sản phẩm kit test COVID thuộc danh mục được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn, Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng.
Sau đó, thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (công ty liên danh, công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá do Công ty Việt Á đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành.
Để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, tăng doanh thu lợi nhuận và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, Phan Quốc Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn.
Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng không giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.
Lực lượng chức năng đã tiến hành khám xét 16 địa điểm tại 8 tỉnh, thành phố bao gồm TP HCM, Hà Nội, Hải Dương, Thừa Thiên Huế, Long An, Bình Dương, Cần Thơ và Nghệ An, thu giữ hàng trăm bộ hồ sơ, tài liệu, hợp đồng thầu, đồng thời triệu tập 30 đối tượng có liên quan đến cơ quan công an để điều tra làm rõ.
Khánh Hoài (T/H)