Toạ lạc trên "đất vàng", vì sao Parkson phải đóng cửa?

Google News

Mở trung tâm thương mại (TTTM) đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 6/2005 mang tên Parkson Saigon Tourist Plaza, đến thời kỳ đỉnh cao, Parkson đã có 10 trung tâm thương mại trải dài trên cả nước, nằm tại những khu "đất vàng". 

Hàng hóa của Parkson một thời được xem như tiêu chuẩn của sự cao cấp tại Việt Nam.
Các trung tâm thương mại Parkson lần lượt bốc hơi
Sau một thời gian kinh doanh, tất cả các TTTM của Parkson đều rơi vào tình trạng khan hiếm khách hàng dẫn đến nhiều Trung tâm phải đóng của vì buôn bán thua lỗ.
Cụ thể, vào tháng 1/2015, Parkson Keangnam (Từ Liêm, Hà Nội) đột ngột đóng cửa. Đến tháng 5/2016, TTTM Parkson Paragon tại quận 7, TP.HCM chính thức ngừng hoạt động khi tình hình tài chính của doanh nghiệp này không mấy sáng sủa. Cũng trong năm này (12/2016), Parkson Viet Tower (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng theo đó ra đi . Tiếp đến vào tháng 3/2018, Parkson Flemington (Lê Đại Hành, quận 11) cũng biến mất khỏi bản đồ mua sắm của Việt Nam.
Toa lac tren

Thời gian gần đây, Parkson đang có động thái sắp đóng cửa thêm một TTTM tại khu phức hợp Cantavil An Phú, Quận 2, TP.HCM khi bảng hiệu Parkson đã không còn tồn tại. 
Nếu đóng cửa Parkson Cantavil thì ở Việt Nam Parkson chỉ còn lại 5 trung tâm, trong đó, có 3 trung tâm tại TP.HCM gồm Parkson Hùng Vương (Hùng Vương, quận 5); Parkson Saigon Tourist Plaza (Lê Thánh Tôn, quận 1); Parkson CT Plaza (Trường Sơn, quận Tân Bình), tại Đà Nẵng là Parkson Vĩnh Trung Plaza và tại Hải Phòng là Parkson TD Plaza vẫn còn hoạt động.
Parkson chỉ còn lại 3 trung tâm ở TP.HCM
Ghi nhận tại 3 TTTM của Parkson trên địa bàn TP.HCM ở 3 khu vực gồm quận 1, quận 5 và quận Tân Bình vào ngày 14/10 cho thấy: Ở Parkson Saigon Tourist Plaza là TTTM đầu tiên đánh dấu sự xuất hiện của ông lớn bán lẻ này tại thị trường Việt Nam từ năm 2005.
Nằm ở khu đất đắt giá nhất thành phố trên đường Lê Thánh Tôn - Đồng Khởi, là một trong những địa điểm đông đúc, nhộn nhịp nhất ở quận 1, TP.HCM. Đây từng được xem là một trong những nơi mua sắm sang trọng bậc nhất cùng với Diamond Plaza thời bấy giờ.
Tuy nhiên, dù tọa lạc tại vị trí đắc địa nhưng đối diện Parkson Saigon Tourist Plaza hiện là Vincom Center Đồng Khởi, nơi quy tụ đầy đủ các thương hiệu thời trang, mỹ phẩm, trang sức, phụ kiện, gia dụng... từ phân khúc trung đến cao cấp, mang lại nhiều sự lựa chọn cho khách hàng và cách đó không xa là Trung tâm Takashimaya - Saigon Center hiện đại đi vào hoạt động từ năm 2016. Chính những địa điểm mua sắm này lại trở thành điều bất lợi cho Parkson khi phải cạnh tranh cùng những ông lớn xung quanh mình, điều này cũng đã khiến cho doanh thu càng ngày càng tụt giảm khi lượng khách đến đây càng thưa thớt dần.
Toa lac tren

Parkson Hùng Vương (quận 5) cũng trong tình trạng tương tự, khi lượng khách ra vào khá thưa thớt chủ yếu khách hàng đến đây chỉ để đi dạo và ngắm nhìn các mặt hàng được trưng bày.
Riêng Parkson CT Plaza (quận Tân Bình), là TTTM nằm ở vị trí đắc địa khi đối diện ngay cửa ngõ ra vào sân bay Tân Sân Nhất. Mặt khác, đây cũng là khu vực hiện rất ít TTTM mua sắm có những thương hiệu cao cấp như ở Parkson. Bên cạnh đó, các mặt hàng bày bán tại đây khá đa dạng và phong phú quy tụ nhiều thương hiệu thời trang, mỹ phẩm, trang sức nổi tiếng như Nike, Calvin Klein, Giordano, Geox, Valentino… Chính những điều này đã làm cho lượng khách hàng ra vào tại đây có vẻ khả quan hơn so với hai trung tâm còn lại.
Thua lỗ trong 7 quý liên tiếp, Parkson lâm vào khủng hoảng
Với việc đóng cửa hàng loạt các trung tâm, việc kinh doanh của Parkson có chiều hướng tiếp tục đi xuống. Doanh thu cả năm của đơn vị này đạt khoảng gần 500 tỷ đồng nhưng lỗ hơn 60 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính của Parkson niên độ bắt đầu từ tháng 7 hàng năm và kết thúc vào cuối tháng 6 năm sau. Lũy kế 3 quý, Parkson đạt doanh thu khoảng 350 tỷ đồng tại Việt Nam và lỗ 48 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước thì con số lỗ này đã giảm 4%.
Nguyên nhân là do thị trường xuất hiện thêm nhiều nhà bán lẻ nước ngoài với các chiến dịch quảng bá, chiết khấu rầm rộ khiến Parkson không thể cạnh tranh. Bên cạnh đó, Parkson luôn trung thành với mô hình hoạt động Department Store (tạm gọi là siêu thị bán lẻ hàng hiệu), đã khiến chuỗi này lép vế hơn rất nhiều khi mô hình Shopping Mall hay Shopping Center quy mô lớn, hay còn gọi là trung tâm mua sắm đáp ứng các nhu cầu, tiện ích cho khách hàng từ mua sắm với siêu thị tổng hợp cho đến ăn uống, vui chơi, xem phim.
Với tình hình hoạt động của các trung tâm mua sắm trong hệ thống của Parkson như hiện nay, nếu không có những biện pháp khắc phục cụ thể e rằng trong tương lai, tình trạng đóng cửa các trung tâm Parkson khác có thể sẽ tiếp tục được diễn ra.
Theo Nhà Đầu Tư