Theo báo cáo triển vọng thị trường Việt Nam tháng 9/2017 vừa được Ngân hàng HSBC công bố, Chính phủ đang kêu gọi mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 18% lên 21% nhằm hy vọng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm ở mức 6,7%.
|
Nhiều ngân hàng cho biết đã trình NHNN xin nâng room tín dụng để có thêm dư địa cho vay. |
Nhiều yếu tố hỗ trợ để tín dụng đạt 21%
HSBC đánh giá mục tiêu tín dụng 21% có thể dễ dàng đạt được với đà tăng trưởng tín dụng như hiện tại (đã đạt 11,5% tính đến hết tháng 8 theo số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia) cùng với đó là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất hồi tháng 7.
Nếu đạt được mức tăng tín dụng như kỳ vọng thì đây sẽ là năm đầu tiên tín dụng tăng mạnh kể từ sau giai đoạn bong bóng năm 2009-2010.
Thực tế, trong nửa đầu năm, nhiều ngân hàng đã sử dụng gần cạn, thậm chí dùng hết chỉ tiêu tín dụng mà NHNN giao (từ 14-16%). Nhiều lãnh đạo ngân hàng cho biết đã trình NHNN xin nâng room tín dụng để có thêm dư địa cho vay, song khả năng được xem xét được hay không còn phải dựa trên các tiêu chí và quy mô của từng ngân hàng. Chẳng hạn, tăng trưởng tín dụng của VIB đạt 15,7% trên chỉ tiêu 16% cho cả năm 2017, HDBank tăng gần 18% trên chỉ tiêu 20%. MBB là 14,6% trên chỉ tiêu 16%... Mới đây nhất, ACB đã được phê duyệt nới lên 20% cho năm nay. Trước đó, kế hoạch tăng trưởng tín dụng của ACB chỉ là 16%.
Thêm một điểm đáng chú ý trên thị trường mở (OMO) tuần qua, từ ngày 4-8/9/2017, là NHNN bơm ròng 21.000 tỷ đồng. Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, thị trường mở không có hoạt động bơm mới, nhưng lượng đáo hạn qua kênh này đạt 506 tỷ đồng, như vậy NHNN đã hút ròng 506 tỷ đồng qua kênh này.
Mặc dù NHNN đã phát hành 17.999,8 tỷ đồng tín phiếu mới, song lượng vốn đáo hạn trong tuần lên tới 21.000 tỷ đồng. Theo đó, NHNN đã bơm ròng 3.000,2 tỷ đồng qua kênh tín phiếu. Tổng hợp hai kênh OMO và tín phiếu, NHNN đã bơm ròng 2.494,2 tỷ đồng vào thị trường. “Điều này cho thấy, thanh khoản hệ thống có phần bớt dư thừa” - BVSC nhận xét.
Cần cẩn trọng
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rằng tăng trưởng tín dụng nhanh có thể tạo ra những rủi ro mới cho ngành ngân hàng, đặc biệt nếu tín dụng mới được phân bổ cho các ngành công nghiệp kém hiệu quả. Chẳng hạn, liên quan đến bất động sản thời kỳ bong bóng 2006-2008 thì tín dụng vào bất động sản là một trong những lý do chính làm gia tăng nợ xấu và khủng hoảng ngành ngân hàng hồi năm 2011.
HSBC một lần nữa khẳng định, việc phân bổ tín dụng sai lệch và giảm bớt đầu tư tư nhân nếu không được kiểm soát có thể sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP và tăng nguy cơ nợ xấu trong tương lai.
Liên quan đến việc đẩy chỉ tiêu tín dụng lên 22% so với mục tiêu đầu năm là 18%, chia sẻ mới đây TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng Chính phủ đã tính toán khi đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng nhưng cần phải xem xét kỹ tăng trưởng tín dụng cao để đạt được mục tiêu tăng trưởng gì. Bởi nếu đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là không dễ kỳ vọng, do sự hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện nay còn yếu, các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn nhất định.
Cũng theo ông Thiên, tín dụng tăng cao khó có thể tránh được “bẫy” nợ xấu đã từng xảy ra như trước. Do đó, thay vì đẩy mạnh vốn vay, nên xem xét các giải pháp khác để hỗ trợ doanh nghiệp, chẳng hạn giảm lãi vay, giảm chi phí vận tải, cắt bỏ các chi phí gián tiếp, bỏ các giấy phép con... Nếu làm được như vậy thì hiệu quả doanh nghiệp thu về cao hơn so với việc bơm mạnh vốn ra thị trường hỗ trợ.
Theo Vân Lam/Người tiêu dùng