CTCP Dược phẩm Hà Nội (DHN) vừa công bố thông tin Tổng Giám đốc Phạm Thị Tuân đã bán toàn bộ 139.298 cổ phiếu DHN (tỷ lệ 2,21%) vào ngày 7/10. Gần như đồng thời, bà Dương Thúy Hằng - con bà Phạm Thị Tuân đã bán toàn bộ 620.621 cổ phiếu (tỷ lệ 9,87%) và không còn là cổ đông lớn.
Cả 2 con của bà Nguyễn Thị Nhung - Ủy viên HĐQT là ông Phạm Anh Đức và bà Phạm Thị Minh Trang cũng bán tương ứng toàn bộ 120.142 cổ phiếu DHN (tỷ lệ 1,91%) và 120.142 cổ phiếu DHN (tỷ lệ 1,91%) trong ngày 6/10.
Ông Nguyễn Đăng Khoa, một nhà đầu tư cá nhân, đã mua 565.824 cổ phiếu DHN, nâng lượng sở hữu sau giao dịch lên 658.824 cổ phiếu (tỷ lệ 10,47%) và trở thành cổ đông lớn của Dược Hà Nội.
Theo thông tin Dược Hà Nội vừa công bố, bà Phạm Thị Tuân (1955) đã ủy quyền cho ông Nguyễn Đăng Khoa (1992, Gò Vấp, TP.HCM) thực hiện toàn bộ và không giới hạn các công việc, quyền, nghĩa vụ thành viên HĐQT của DHN.
Trong khi đó, chủ tịch Dược Hà Nội Đinh Quang Hào (1980) ủy quyền cho ông Nguyễn Việt Cường (1985) thực hiện toàn bộ và không giới hạn các công việc, quyền, nghĩa vụ thành viên HĐQT/chủ tịch HĐQT của DHN.
Trước đó, hôm 5/10 ông Đinh Quang Hào cũng đã đăng ký bán toàn bộ 125.905 cổ phiếu DHN (2%) nhưng kết quả chưa được công bố. Tuy nhiên, nhiều khả năng giao dịch đã được thực hiện.
Ông Đinh Quang Hào mới chỉ được bổ nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT Dược Hà Nội thay cho bà Phạm Thị Tuân từ ngày 16/7 và thời hạn là đến hết 31/12.
Như vậy, nhiều khả năng đây là một vụ thâu tóm doanh nghiệp. Dược phẩm Hà Nội tiền thân là Xí nghiệp dược phẩm Hà Nội được thành lập năm 1993 bởi Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội.
|
Đại gia trong và ngoài nước quan tâm tới cổ phiếu ngành dược. |
Cổ đông lớn nhất của DHN hiện là Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Việt Hà. Đây là doanh nghiệp Nhà nước hoạt động theo mô hình Công ty Mẹ - Công ty Con. Việt Hà hiện là một tập đoàn đầu tư đa ngành, sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng như Bia Việt Hà, bánh mứt kẹo Tràng An, bánh mứt kẹo Hà Nội, giày Ngọc Hà… cùng với nhiều dự án lớn như Khu hỗn hợp nhà ở và thương mại Việt Hà; Khu Công nghiệp Thị trấn Chờ, Yên Phong, Bắc Ninh; Trung tâm thương mại, dịch vụ Lĩnh Nam…
Trong vài năm gần đây, nhiều công ty dược phẩm thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trong và ngoài nước, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 bùng nổ.
Ông lớn Thế Giới Di Động (MWG) của đại gia Nguyễn Đức Tài gần đây tích hợp chuỗi nhà thuốc An Khang vào cửa hàng Bách Hoá Xanh để tận dụng lưu lượng khách có sẵn. Theo kế hoạch, MWG đang bố trí diện tích 20-30m2 cho nhà thuốc và ngay lập tức có lượng khách tốt 100-150 hóa đơn/ngày và doanh thu khoảng 200-300 triệu đồng/tháng.
Trong quý 6 tháng đầu năm, MWG ghi nhận khoản lỗ từ công ty liên kết An Khang (trước đây là Phúc An Khang) là 2,56 tỷ đồng. Sau hơn 2 năm về chung nhà, MWG hiện ghi nhận hơn 8 tỷ thua lỗ tại chuỗi An Khang. Đây là phần lỗ tương ứng với 49% cổ phần mà MWG nắm giữ.
Ông lớn Hàn Quốc SK Group hồi cuối tháng 5 đã nhận chuyển nhượng 12,32 triệu cổ phiếu, tương đương 24,9% cổ phần của Dược phẩm Imexpharm, với giá trị khoảng 670 tỷ đồng (gần 30 triệu USD).
Tại Imexpharm, nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ xấp xỉ 49% cổ phần. Các cổ đông lớn khác gồm có nhóm VinaCapital (7%), KWE Beteiligungen AG (14,3%) và Tổng Công ty dược Việt Nam - Vinapharm (22,9%).
Hiện tại khá nhiều doanh nghiệp dược lớn đã mở room ngoại lên 49% qua đó mở đường cho doanh nghiệp ngoại nắm quyền chi phối như Taisho Pharmaceutical sở hữu 51% cổ phần Dược Hậu Giang, Abbott nắm giữ 51,7% cổ phần Domesco, Stada sở hữu 62% cổ phần Pymepharco…
Từ giữa 2019, Taisho của Nhật Bản đã chào mua thành công 20,6 triệu trong tổng số 28,3 triệu cổ phiếu chào mua công khai cổ phiếu Dược Hậu Giang. Theo đó, Taisho đã nâng lượng cổ phiếu nắm giữ lên gần 66,4 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu 50,78%. Dược Hậu Giang như vậy chính thức trở thành công ty con của đơn vị này.
FPT Retail của ông Trương Gia Bình năm 2019 cũng đẩy mạnh mảng dược phẩm với chuỗi nhà thuốc Long Châu. Sau năm 2018, FPT Retail đã nhìn ra được mô hình, công thức mở mặt bằng như thế nào và dự kiến mở các cửa hàng ở các tỉnh lân cận TP.HCM.
Hầu hết các dự báo gần đây đều cho thấy, ngành dược sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm, thậm chí trong dài hạn. Quy mô ngành dược được đánh giá là rất lớn với giá trị khoảng 5 tỷ USD năm và có thể gia tăng do thu nhập của người dân được cải thiện, nhu cầu của người dân gia tăng liên tục trong những năm gần đây.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 12/10, chỉ số VN-Index tăng lên ngưỡng 930 điểm. Cổ phiếu Vietinbank (CTG) tăng mạnh, có lúc đạt giá trần.
Theo BVSC, thị trường dự báo sẽ tiếp tục có diễn biến tích cực trong những phiên đầu tuần mới. Sau khi vượt qua vùng cản quanh 920 điểm, VN-Index được kỳ vọng sẽ hướng đến thử thách vùng kháng cự mạnh 935-945 điểm trong ngắn hạn. Mặc dù vậy, đà tăng của thị trường sẽ đan xen các nhịp điều chỉnh và có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Trong tuần mới, diễn biến thị trường có thể bị biến động mạnh khi hoạt động đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 10 sẽ diễn ra và phiên giữa tuần. Ngoài ra, thị trường sẽ bị chi phối nhiều hơn bởi các thông tin kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/10, VN-Index tăng 5,16 điểm lên 924,00 điểm; HNX-Index tăng 1,3 điểm lên 136,91 điểm. Upcom-Index tăng 0,48 điểm lên 64,01 điểm. Thanh khoản đạt 7,6 nghìn tỷ đồng.
Theo V. Hà/Vietnamnet