Tiểu thương quốc lộ 1 tính dẹp tiệm khi xe đổ sang cao tốc mới

Google News

Quốc lộ 1 không còn thế độc đạo từ khi có cầu Mỹ Thuận 2 và tuyến cao tốc từ TPHCM về Cần Thơ. Hàng quán dọc tuyến quốc lộ vắng khách hẳn.

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cùng cầu Mỹ Thuận 2 được đưa vào hoạt động là mảnh ghép cuối kết nối tuyến giao thông huyết mạch từ TPHCM về Cần Thơ, rút ngắn đoạn đường di chuyển còn 2 giờ thay vì 3,5 giờ như trước.
Tieu thuong quoc lo 1 tinh dep tiem khi xe do sang cao toc moi
Cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ khánh thành ngày 24/12 và thông xe 2 chiều một tuần sau đó (Ảnh: Mỹ Hân). 
Quốc lộ 1 không còn thế độc đạo, nhiều người, phương tiện đã chọn đi cao tốc. Điều này dẫn đến việc kinh doanh của các hàng quán dọc tuyến quốc lộ "đói" khách, ế hàng hẳn.
Ghi nhận tại các xã có quốc lộ 1 đi ngang như An Hữu, An Thái thuộc huyện Cái Bè, Tiền Giang, nơi tập trung nhiều quán ăn, quầy bánh kẹo, đặc sản vùng miền, nhiều tiểu thương lo lắng, than thở về cảnh ế ẩm. Nhiều quán mỗi ngày bày hàng chỉ để ngáp ngắn ngáp dài ngóng khách rồi đóng tiệm sớm. 
Bà Nguyễn Thị Hồng (chủ sạp bánh kẹo cách cầu Mỹ Thuận khoảng 2km) cho biết, có cao tốc và cầu mới giúp việc đi lại dễ dàng, nhanh chóng, người dân ai cũng mừng. Dù vậy, các hộ kinh doanh đối mặt thách thức khi phương tiện dồn sang đi đường mới, đồng nghĩa lượng phương tiện chạy trên quốc lộ 1 không nhiều như trước, việc buôn bán chịu tác động thấy rõ.
Mọi khi, khoảng 6-7h sáng, bà Hồng dọn hàng, đến 20-21h mới đóng sạp. Đến nay, chỉ 17h quán nhà bà đã đóng cửa vì không có khách.
Theo nữ tiểu thương, năm 2023 khó khăn, tình trạng buôn bán bất thuận vốn đã thấy rõ, nay tuyến cao tốc đưa vào khai thác, khách càng "kiệt".
"Dịp nghỉ Tết Dương lịch vừa rồi, xe cộ qua lại có đông hơn ngày thường một chút nhưng cả ngày tôi cũng chỉ bán được cho 3 xe du lịch. Xe máy có dừng nghỉ cũng ít mua hàng vì năm nay kinh tế khó khăn, ai cũng ngại chi tiêu", bà Hồng rầu rĩ.
Tieu thuong quoc lo 1 tinh dep tiem khi xe do sang cao toc moi-Hinh-2
Nhiều tiểu thương buôn bán dọc quốc lộ 1 lo lắng vì cảnh ế ẩm (Ảnh: Bảo Kỳ). 
Đối diện quầy của bà Hồng, quán cơm Tân Ký của chị Hoa cũng trong cảnh đìu hiu. Quán ăn của chị có gần 10 bàn với các món như cơm phần, cơm dĩa, bánh canh, hủ tiếu... Góc bên trái của quán còn có gian hàng bánh kẹo, đặc sản vùng miền cho thực khách mua làm quà.
Nói về tình hình kinh doanh, chị Hoa cười trừ, chỉ tay về phía bàn ghế trống trơn, vắng hoe khách.
"Buôn bán ngày một chậm nên tôi không dám nhập thêm hàng hóa mới, ráng bán cho hết. Nếu tình trạng kéo dài, qua Tết này, tôi phải cho nhân viên nghỉ bớt thôi", bà chủ quán cơm thẫn thờ.
Phương tiện vẫn ngược xuôi trên đường nhưng theo các tiểu thương, đa số xe nếu dừng sẽ ghé trạm dừng nghỉ, ít khi tấp vào quán nhỏ ven đường.
Tieu thuong quoc lo 1 tinh dep tiem khi xe do sang cao toc moi-Hinh-3
 Quán ăn vắng vẻ mỗi ngày không phải cảnh hiếm gặp (Ảnh: Bảo Kỳ).
Anh Mai Xuân Trường, chủ sạp bánh kẹo tại nút giao An Thái Trung, cho hay xe thường chở khách tới trạm dừng nghỉ để ăn uống, mua sắm vì đó là điểm tuyến cố định. Ô tô cá nhân, gia đình thì thường chọn đi cao tốc. Do vậy, các quán ăn, quầy hàng nhỏ kinh doanh "ăn theo" quốc lộ 1 ngày càng mất thị phần.
"Sức mua tại sạp của tôi giảm khoảng 50%, nhiều khi 3-4 ngày bán hàng doanh số mới được một triệu đồng, có ngày dọn hàng ra rồi tới chập tối là đóng sạp. Năm mới sắp đến, tôi chỉ mong sao việc bán buôn thuận lợi hơn, cố kiếm tiền lo cái Tết", anh Trường thầm khấn.
Tài xế Nguyễn Văn Dũng (quê Hậu Giang) cho biết, từ khi cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thông xe, anh có chở khách lên TPHCM 3-4 lần. Nam tài xế cho hay, việc lựa chọn đường đi là theo yêu cầu của khách, người muốn đi nhanh sẽ chọn cao tốc, người thong thả vẫn chạy quốc lộ 1 để tiết giảm khoản phí qua trạm.
Theo Bảo Kỳ/Dân Trí