Sống xanh, tiêu dùng xanh đang trở thành xu hướng ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt phổ biến tại các nước phát triển. Tại Việt Nam, tiêu dùng xanh đang dần thành một xu thế mới. Nhận thức của người tiêu dùng về tiêu dùng xanh, sản phẩm xanh cũng đã được nâng cao.
Tiêu dùng xanh đồng thời là một nội dung trong Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam. Chiến lược đã khẳng định yêu cầu cấp thiết của việc chuyển đổi phương thức tiêu dùng theo hướng bền vững nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu với nội dung: Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, gắn nhiệm vụ, mục tiêu bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội; Chú trọng phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường; Thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; Từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch.
|
Xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng được coi trọng. Ảnh minh họa |
Việc tiêu dùng xanh, giảm thải rác thải nhựa, túi nylon cũng mang lại nhiều lợi ích như nâng cao độ an toàn và sức khỏe cho người tiêu dùng; giảm thiểu sử dụng năng lượng và tài nguyên thiên nhiên...
Vì thế, trong những năm qua, nhiều mô hình tiêu dùng xanh được cộng đồng hưởng ứng như: gói rau, củ, quả bằng lá chuối; dùng bình nước bằng thủy tinh, ống hút bằng tre hoặc giấy; sử dụng ly giấy thay ly nhựa, túi vải thay túi ni lông...
Để bắt kịp xu hướng thời đại, nhiều doanh nghiệp Việt đồng loạt hưởng ứng phong trào tiêu dùng xanh. Điều này, vừa là thời cơ đối với mỗi doanh nghiệp, vừa tác động tích cực đến người tiêu dùng trong xu thế tiêu dùng xanh.
Tuy nhiên, tiêu dùng xanh được đánh giá mới chỉ là những hoạt động đơn lẻ, chưa kết nối với nhau, phạm vi tác động hẹp.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, tại phiên thảo luận thứ ba của Diễn đàn Kinh tế xanh 2022 – Thích ứng và phát triển hậu đại dịch với chủ đề “Sống xanh – tiêu dùng xanh” do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức vào ngày 22/4/20222, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng: "Chúng ta đang chuyển đổi từ nâu sang xanh, một quá trình cực kỳ khó khăn, thậm chí càng phát triển thì càng khó khăn. Và chúng ta phải thoát khỏi nền tảng, hành lý nâu nặng nề đó. Để chuyển đổi được bước chuyển này, chắc chắn rất khó khăn và cần phải có sự ủng hộ cao của nhà nước, đặc biệt là hỗ trợ về thể chế”.
Lâu nay sự hỗ trợ về phát triển xanh là từ thuế, tài chính, lãi suất vay… với nhà sản xuất, nhưng theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, sự hỗ trợ của nhà nước cần mở rộng thêm khía cạnh thị trường, người tiêu dùng. Theo đó, "Nhà nước cần cam kết như người mua hàng để hỗ trợ thúc đẩy nhà sản xuất sản phẩm xanh”, ông Thiên nói.
Hoàng Minh (tổng hợp)