Vừa qua, nhiều ý kiến đề xuất thay đổi cơ chế điều hành giá vé máy bay nội địa, nhất là nâng trần giá vé máy bay quá thấp đang kìm hãm sự tăng trưởng của ngành, thậm chí là bỏ trần giá vé.
Điều chỉnh tăng với các đường bay từ 500km trở lên
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Theo đó, mức giá trần vé máy bay chặng nội địa được đề xuất tăng từ 50.000 đồng đến 250.000 đồng (đối với các đường bay từ 500km trở lên) so với mức giá tối đa được quy định năm 2019.
Theo dự thảo, với đường bay dưới 500km, giá dịch vụ vận chuyển được giữ nguyên theo Thông tư 17. Cụ thể, nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội vẫn có mức giá tối đa là 1,6 triệu đồng/vé một chiều. Nhóm đường bay khác dưới 500km có mức giá tối đa là 1,7 triệu đồng/vé một chiều.
Đáng chú ý, với các đường bay từ 500km đến dưới 850km, mức giá tối đa đề xuất là 2,25 triệu đồng/vé một chiều, trong khi theo quy định hiện hành, con số này là 2,2 triệu đồng/vé. Đường bay từ 850km đến dưới 1.000km, mức giá tối đa đề xuất là 2,89 triệu đồng/vé, cao hơn 100.000 đồng so với quy định hiện hành. Ở khoảng cách đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280km, dự thảo mới đề xuất mức giá tối đa là 3,4 triệu đồng, cao hơn 200.000 đồng so với quy định hiện hành.
Ngoài ra, mức giá 4 triệu đồng được đề xuất cho khoảng cách đường bay từ 1.280km trở lên. Con số này cao hơn quy định hiện hành 250.000 đồng.
|
Theo Bộ Tài chính, việc tăng trần giá vé máy bay được xem xét trên cơ sở đánh giá chi phí, tình hình thị trường và các yếu tố liên quan, khi đó sẽ có quy định cụ thể. Ảnh minh họa: Internet. |
Trước đó, lý giải với Bộ GTVT trong quá trình xây dựng dự thảo thông tư về khung giá vé máy bay nội địa, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa quy định tại Thông tư số 17/2019 thực tế đã được áp dụng từ năm 2015. Thời điểm đó giá nhiên liệu bay Jet A1 ở mức khoảng 60 USD/thùng.
Hiện tại, các yếu tố hình thành giá đã thay đổi, đặc biệt là giá nhiên liệu bay Jet-A1 và tỉ giá đều tăng cao, mức giá tối đa hiện tại không còn phù hợp. Theo số liệu cập nhật của Hiệp hội Vận tải hàng không thế giới (IATA) cho thấy, giá nhiên liệu Jet-A1 khu vực châu Á ngày 2/6/2023 là 85,47 USD/thùng.
Nới giá trần, giá vé máy bay có tăng cao?
Hiện nay, giá dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không (bao gồm quốc tế và quốc nội) đều được thực hiện theo cơ chế giá linh hoạt. Đối với dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, các hãng hàng không xây dựng và thực hiện kê khai với nhiều mức giá từ thấp đến cao tùy theo điều kiện vé, thời điểm xuất vé, tình hình thị trường...
Thông tin trên báo chí, ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) cho biết, ở thời điểm hiện tại, nước ta đã có 6 hãng hàng không đang khai thác. Trên thị trường hoàn toàn không có đường bay nào khai thác độc quyền, khách hàng dễ dàng tiếp cận dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa với nhiều lựa chọn hãng hàng không. Các nước trên thế giới đều đang đi theo hướng nới lỏng và bỏ các quy định khung giá vé vận tải hàng không.
Ông Nề cho rằng, việc điều chỉnh tăng giá trần không những không ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn giúp đa dạng chính sách giá, giúp các hãng hàng không có điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ đến khách hàng.
“Thực tế, vào những mùa cao điểm, đặc biệt là cao điểm Tết, các hãng hàng không đều phải giải quyết bài toán chi phí cho các chuyến bay “lệch đầu”. Tức là, có một chiều bay khách có nhu cầu rất lớn, còn chiều ngược lại có nhu cầu rất thấp. Do vậy, mức giá vé sẽ cao hơn thường lệ để đảm bảo hiệu quả chi phí, bù đắp chiều bay "rỗng" hoặc không đủ khách”, chuyên gia vận tải hàng không lý giải.
Việc “nới” trần giá vé máy bay sẽ tạo điều kiện cho người dân có thêm sự lựa chọn với các sản phẩm đa dạng về chất lượng dịch vụ theo nhu cầu của mình. Hãng hàng không sẽ đầu tư xây dựng nhiều sản phẩm đa dạng với chất lượng dịch vụ cao tương ứng với mức giá. Từ đó, những hành khách có điều kiện có thể có cơ hội trải nghiệm các dịch vụ hàng không chất lượng cao hơn. Trong khi đó, những hành khách vẫn có cơ hội mua các giá thấp hơn theo nhu cầu của mình”, chuyên gia nhấn mạnh.
Theo chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giá vé máy bay nội địa nên để thị trường tự quyết định, qua đó, giúp tạo đà tăng trưởng cho ngành hàng không, vượt qua giai đoạn khó khăn. Bên cạnh đó vẫn cho phép kích cầu để tăng trưởng du lịch.
Cũng theo ông Thịnh, để kích cầu các hãng hàng không cần kết hợp với các hãng du lịch để có lượng khách ổn định, và cũng cần kết hợp với các cơ sở hạ tầng về nhà nghỉ, khách sạn cũng như với chính quyền địa phương nơi có lượng khách du lịch lớn. Từ đó đáp ứng nhu cầu vận chuyển tăng lên nhưng đồng thời có thể có được tỷ lệ % hợp lý, vé 0 đồng hay vé giá rẻ để kích thích lượng du khách đến nhiều hơn.
Đặc biệt, ngày 19/6/2023, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Luật Giá, với 92,91% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, trong đó, Quốc hội thông qua quy định giá trần đối với dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không nội địa.
Liên Hà Thái (tổng hợp)