Rủi ro hệ thống gia tăng
Mirae Asset cho biết rủi ro hệ thống gia tăng, đến cuối năm 2022, tổng dư nợ tín dụng cho ngành BĐS của các tổ chức tín dụng đạt 2,58 triệu tỷ, tăng 24% so cùng kỳ và chiếm 21,2% tín dụng toàn hệ thống. Trong đó, 68% tín dụng BĐS là cho vay mua nhà và phần còn lại là cho vay các HĐKD khác liên quan đến BĐS.
Đáng lưu ý, một số nhà phát hành BĐS gặp khó khăn trong vấn đề tuân thủ nghĩa vụ thanh toán trái phiếu. Mặc dù đa phần khoản vay của những doanh nghiệp này chưa bị ghi nhận là nợ xấu, nhưng khả năng không thể hoàn tất nghĩa vụ thanh toán gốc và lãi vay của họ vẫn có thể xảy ra.
Hệ quả là không những nợ xấu của NHTM bị ảnh hưởng tiêu cực mà còn tạo ra gánh nặng trích lập không chỉ trong ngắn hạn. Tình trạng khó khăn của nhóm DN BĐS có thể dẫn đến chậm tiến độ thi công và hoàn thiện, gián tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến người mua nhà.
Vì vậy, không chỉ các ngân hàng có dư nợ cho vay DN BĐS lớn bị ảnh hưởng, mà các NHTM có danh mục bán lẻ cũng chịu một phần hệ quả.
|
Mức giá hiện tại của cổ phiếu ngân hàng. |
Từ đầu năm 2022, giá cổ phiếu của các nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước (đặc biệt là VCB) có mức giảm thấp hơn nhiều so với VN-Index và nhóm ngân hàng tư nhân: Do điều kiện vĩ mô không thuận lợi cũng như các sự kiện bất thường có tầm ảnh hưởng lớn (như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát...), các cổ phiếu nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước được ưa chuộng hơn so ngân hàng tư nhân, nhờ tỷ trọng tài sản rủi ro không cao và có sự quản lý chặt chẽ từ các cơ quan NN trong quá trình hoạt động.
Với tình hình thị trường được dự kiến chưa kém khả quan trong năm 2023, cổ phiếu ngân hàng thương mại Nhà nước vẫn là lựa chọn hàng đầu của Mirae Asset. Rủi ro chính của các cổ phiếu này là mức định giá tương đối cao so với các NH khác hay so với chính quá khứ của họ.
Mặt khác, một số ngân hàng tư nhân cũng rất tiềm năng như ACB với hoạt động ổn định và ít rủi ro tập trung. MBB và TCB cũng là hai NH đang được giao dịch ở mức định giá tương đối thấp, tuy nhiên, cần lưu ý rủi ro đầu tư tương đối lớn do dư nợ đối với nhóm tài sản có rủi ro cao của hai ngân hàng này khá lớn.
Mirae Asset cũng cho rằng diễn biến giá của các NHTM sẽ có nhiều biến động trong năm 2023, phụ thuộc vào cả yếu tố nội tại lẫn bên ngoài như: các thay đổi trong chất lượng tài sản, lãi suất và tỷ giá, sức khỏe của nền kinh tế, cũng như các biện pháp tháo gỡ khó khăn tạm thời cho ngành BĐS từ phía các nhà điều hành.
|
Cổ phiếu ngân hàng so với VNIndex. |
Nợ xấu tăng cao
Tỷ lệ nợ xấu (NPL) và nợ xấu mở rộng (bao gồm cả nợ nhóm 2) có xu hướng tăng: NPL trung bình của các ngân hàng niêm yết tăng mạnh lên mức 2,5%, tăng 80bps so cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu trung bình tăng mạnh do tác động bởi NPL tăng đột biến của NVB, VBB, VPB và PGB.
Nợ xấu tăng cao trong năm 2022 một phần bị ảnh hưởng bởi dư nợ tái cơ cấu liên quan đến COVID-19. Tổng nợ quá hạn (bao gồm nợ nhóm 2) trung bình tăng 110bps lên mức 3,3% vào cuối năm 2023.
Xu hướng nợ xấu tăng nhiều khả năng vẫn tiếp diễn trong năm 2023: Về mặt tích cực, dư nợ cho vay tái cơ cấu giảm đáng kể trong năm 2022. Tuy nhiên, nợ xấu mở rộng (bao gồm cả nợ nhóm 2) tăng cho thấy nợ xấu sẽ tiếp tục tăng trong ngắn hạn. Ngoài ra, giả định của Mirae Asset về lãi suất duy trì ở mức cao trong năm 2023 cũng là một tác nhân làm gia tăng nợ xấu.
Khó khăn về tài chính của các chủ đầu tư BĐS có thể dẫn đến việc chấm dứt các chính sách ưu đãi lãi suất/cam kết lợi nhuận từ CĐT dành cho người mua nhà. Do đó, nhóm đầu cơ hoặc người mua với mục đích đầu tư có thể từ bỏ các cam kết tài chính của họ, nếu tính pháp lý của dự án không rõ ràng.
Tình trạng ảm đạm của thị trường cũng là rủi ro dẫn đến gián đoạn dòng tiền các nhà đầu tư BĐS, dẫn đến nợ xấu. Việc chậm thanh toán gốc/lãi trái phiếu của một số CĐT do tình trạng thiếu thanh khoản trầm trọng của các CĐT BĐS, là một chỉ báo sớm cho nợ xấu có khả năng phát sinh trong thời gian tới.
|
Nợ xấu gia tăng mạnh trong năm 2022. |
Bộ đệm dự phòng sụt giảm
Tỷ lệ dự phòng trên nợ xấu (LLR) của hầu hết các ngân hàng ghi nhận sự sụt giảm: LLR trung bình của các ngân hàng niêm yết giảm đáng kể xuống còn 120,9% vào cuối 2022, (giảm 24% so cùng kỳ).
Mức giảm LLR phần lớn tác động bởi các ngân hàng có chỉ số LLR đặc biệt cao như VCB, MBB, ACB, TCB,... Nói cách khác, có thể các ngân hàng đang sử dụng bộ đệm dự phòng duy trì tăng trưởng lợi nhuận.
Chi phí trích lập dự kiến gia tăng trở lại: Trong bối cảnh nợ xấu được dự báo tăng trong năm 2023, LLR giảm và việc hoàn nhập dự phòng đã trích lập dư cho nợ tái cơ cấu không đáng kể, chi phí dự phòng sẽ khó duy trì ở mức thấp như năm 2022.
Việc gia tăng đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp liên quan đến ngành BĐS trong các năm trở lại đây và tình trạng thiếu thanh khoản có thể dẫn đến nợ xấu lập đỉnh mới trong vòng một thập kỷ. Như vậy, nhu cầu trích lập cho nợ xấu không những khó có thể duy trì mà có khả năng tăng mạnh trong ngắn và trung hạn.
Do các yếu tố vĩ mô kém khả quan và tương đối bất ổn, Mirae Asset duy trì danh mục ngân hàng ưa thích dựa trên khía cạnh như chính sách phát triển bền vững và kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định: Mirae Asset ưu tiên các ngân hàng có LLR cao, là cơ sở cho ngân hàng điều tiết giữa duy trì lợi nhuận và chất lượng tài sản.
Những ngân hàng nổi bật bao gồm nhóm ngân hàng thương mại nhà nước (VCB, CTG, BID) và ngân hàng tư nhân (ACB). Các ngân hàng nói trên có tỷ lệ nợ xấu thấp, dư nợ TPDN không đáng kể, và danh mục cho vay đa dạng, qua đó giảm thiểu rủi ro hệ thống.
Ngoài ra, các ngân hàng này sở hữu thế mạnh thương hiệu, đặc biệt là của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, sẽ mang lại lợi thế lớn trong việc huy động và ổn định tiền gửi và tránh các rủi ro mất thanh khoản do rút tiền gửi tăng đột ngột.
Anh Nhi