Nhiều ngày gần đây, dư luận “sục sôi” với việc tiền điện tăng quá cao. Hầu hết người dân nào cũng hốt hoảng vì giá điện tháng 4 chênh lệch quá lớn so với bình thường, có nhà thậm chí còn bị tăng gấp đôi.
Không chỉ các hộ dân mà các doanh nghiệp, nhà hàng kinh doanh dịch vụ cũng bị ảnh hưởng theo. Nhiều doanh nghiệp lo ngại sẽ phải điều chỉnh giá sản phẩm, dịch vụ để cân đối thu – chi. Trong đó, các tòa nhà văn phòng đã là đối tượng điều chỉnh sớm nhất. Chị Thu Hoài ở Cầu Giấy – Hà Nội cho biết: “Công ty tôi thuê văn phòng tại một tòa nhà trên đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy. Sáng nay, phòng kế toán của tôi nhận được thông tin từ ban quản lý tòa nhà thông báo việc tăng phí thanh toán tiền điện tại tòa nhà. Theo đó, từ ngày 20/3/2019, tòa nhà sẽ áp dụng giá điện mới đối với khối văn phòng là 4.587 đồng/kwh (chưa bao gồm VAT). Thông tin này khiến sếp tôi sốt xình xịch vì cơ quan sẽ phải trích thêm một khoản tiền không nhỏ để trả cho tiền điện”.
Cũng như chị Hoài, chị Vân ở Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ: “Tòa nhà văn phòng cơ quan tôi thuê cũng đã thông báo tăng giá điện tháng này. Do là đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ nên nguồn thu chỉ có hạn, vì vậy, ban lãnh đạo cơ quan tôi đã phải cảnh báo, chế độ của nhân viên có thể bị giảm chút ít để bù vào số tiền điện cùng các dịch vụ khác tăng cao thời gian tới. Như vậy, những người như tôi phải chịu ảnh hưởng trực tiếp tới hai lần vì giá điện tăng: thứ nhất là tiền điện sử dụng trong gia đình tăng khiến chi phí phải trả tăng và thứ hai là giá điện tăng làm tôi đối diện nguy cơ bị giảm thu nhập”.
|
Giá điện tháng 4 tăng mạnh khiến nhiều người hốt hoảng. Ảnh minh họa: Zing. |
Trước thực trạng hóa đơn tiền điện tăng sốc khiến mọi người dân, doanh nghiệp hoang mang, lo lắng, đại diện EVN đã lên tiếng giải thích rằng, giá điện đã được tăng lên khoảng 8,3% kể từ ngày 20/3 theo Quyết định 648 của Bộ Công Thương. Ngoài ra, thời tiết nắng ở Hà Nội và TPHCM khiến cho sản lượng điện tiêu thụ tăng cao, bởi các thiết bị sinh hoạt trong gia đình sẽ phải tăng công suất làm việc hơn.
Ngoài việc lý giải nguyên nhân giá điện tăng cao, EVN cũng khuyến cáo người dân cách kiểm tra lượng điện tiêu thụ và cách tính giá điện chính xác để kiểm soát được việc sử dụng điện. Theo đó, khách hàng nên truy cập vào website của công ty điện lực, đăng nhập bằng mã được cấp trên hóa đơn. Để lấy mật khẩu đăng nhập, khách hàng gọi đến tổng đài của Điện lực nơi mình sinh sống yêu cầu,sau khi cung cấp các thông tin mã khách hàng, tiền nộp 2 tháng gần nhất, số điện thoại… Khi đăng nhập, khách hàng sẽ được cung cấp các thông tin về lượng điện tiêu thụ hàng tháng, so sánh trước đó, cùng kỳ năm…
Khi biết các thông số, khách hàng có thể tự tính tiền điện thiêu thụ theo thang bậc điện sinh hoạt mà Bộ Công Thương công bố. Giá bán lẻ điện sinh hoạt được điều chỉnh vào 20/3 chia làm 6 bậc. Bậc 1 từ 0-50 kWh được tính giá 1.678 đồng/kWh. Bậc 2 được tính giá 1.734 đồng cho mức tiêu thụ 51-100 kWh. Bậc 3 giá bán là 2.014 đồng cho mức tiêu thụ 101-200 kWh. Giá bậc 4 là 2.536 đồng cho 201-300 kWh; bậc 5 có giá 2.834 đồng cho 301-400 kWh; bậc 6 được tính 2.927 đồng cho 401 kWh trở lên.
Ngoài ra, nếu lượng điện tiêu thụ tăng, khách hàng cũng có thể tính được phần chênh lệch có đúng quy định của Bộ Công thương hay không. Trong trường hợp lượng điện tăng đột biến mà nhu cầu thực tế không thay đổi, khách hàng có thể trực tiếp yêu cầu điện lực ở địa phương kiểm tra. Chỉ cần gọi tổng đài chăm sóc khách hàng của điện lực địa phương để yêu cầu nhân viên xuống trực tiếp kiểm tra công tơ, các thiết bị điện…
Ngoài ra, người dân cũng có thể trực tiếp theo dõi số điện sử dụng trong tháng khi nhân viên điện lực ghi chốt hàng tháng. Từ đó, người dân tự tính được số tiền phải trả tương ứng và điều chỉnh, kiểm soát được việc dùng điện một cách hợp lý, tiết kiệm hơn.
Lê Thịnh