Tiền ảo đa cấp dạng iFan: Thế giới tránh xa, làng quê Việt mắc bẫy

Google News

Lợi dụng sự nổi lên của khái niệm tiền thuật toán, nhiều tổ chức đa cấp biến tướng núp bóng dự án phát hành tiền ảo đã tràn về làng quê Việt.

Mô hình Ponzi, hay gọi dễ hiểu là đa cấp biến tướng rất phổ biến trong thời gian gần đây dưới vỏ bọc phát hành tiền thuật toán (ICO). Núp dưới vỏ bọc các dự án kinh doanh táo bạo, tiềm năng đang bán ra cổ phần dưới dạng tiền thuật toán để huy động vốn, rất nhiều nhóm đa cấp biến tướng đã bị cộng đồng tiền thuật toán lật mặt, tẩy chay.
Phần lớn những dự án này nhanh chóng trở thành “coin chết”, không còn ai giao dịch và bị chính các nhóm đa cấp biến tướng bỏ rơi.
Nghĩa địa “coin chết” do đa cấp núp bóng
Theo thống kê của Coinmarketcap, có hàng trăm đồng tiền ảo có vốn hóa thị trường dưới 1 triệu USD và hầu hết số này hiện là “coin chết” và “coin rác”. Những đồng tiền ảo này có điểm chung là vẽ nên những ý tưởng kinh doanh táo bạo, mới mẻ, hướng tới một thị trường màu mỡ. Tuy nhiên tất cả chỉ là cái cớ để nhóm phát triển thu tiền đầu tư.
Đồng tiền ảo iFan vừa bị nhiều nhà đầu tư Việt tố cáo lừa đảo 15.000 tỷ đồng là một ví dụ điển hình của mô hình này. iFan tự xưng là "ứng dụng công nghệ blockchain 4.0", giúp quản lý thu nhập các nghệ sĩ trong showbiz Việt Nam và có sự cộng tác với nhiều nghệ sĩ Việt nổi tiếng.
Tuy nhiên, dưới vỏ bọc trên, bản chất iFan chỉ là một đồng tiền ảo vô nghĩa vận hành theo mô hình đa cấp biến tướng, lấy tiền của nhà đầu tư sau trả cho nhà đầu tư trước, một cách lừa đảo đã quá phổ biến tại Việt Nam.
Trước iFan, trên thế giới có không ít những dự án tương tự. Có dự án muốn “cách mạng hóa nền công nghiệp phim người lớn” khi phát hành tiền ảo nhằm giúp giao dịch trong ngành giữa nhà sản xuất, người xem và diễn viên được cởi trói bằng tiền ảo. Thực chất đây chỉ là bánh vẽ để thu tiền đầu tư. Nhanh chóng, các nhà đầu tư thế giới nhận ra cái bẫy mà những ICO dạng này giăng ra và tránh xa. Đồng tiền ảo có tên Titcoin trên đã nhanh chóng trở thành coin chết, với khối lượng giao dịch chỉ còn dưới 200 USD mỗi ngày.
Nổi tiếng nhất trong số các đồng tiền ảo vận hành dưới dạng mô hình Ponzi chính là Bitconnect. Đây chính là một trong những đồng tiền thuật toán được cộng đồng thế giới khẳng định chắc chắn là mô hình đa cấp biến tướng trong suốt năm 2017. Tuy nhiên đồng tiền này vẫn được quảng bá rộng rãi và sống khỏe tại Việt Nam.
Lê Ngọc Tuấn, người kêu gọi nhiều nhà đầu tư tham gia dự án iFan, bị nhiều người lên tiếng tố cáo lừa đảo. 
Kết cục có thể đoán trước, đầu năm 2018, Bitconnect thông báo đóng cửa, Không ít nhà đầu tư Việt Nam mất cả trăm triệu đồng khi khối tài sản dưới dạng tiền ảo đang cho sàn Bitconnect vay lãi cao trở thành vô giá trị.
Cách thức hoạt động của Bitconnect là lôi kéo nhà đầu tư mới bằng mức lãi suất béo bở lên tới 40% một tháng rồi dùng tiền của nhà đầu tư sau trả cho nhà đầu tư trước. Với chỉ khoảng 4.000 USD khối lượng giao dịch phát sinh mỗi ngày, Bitconnect có tên trong “nghĩa địa coin chết”, như một lời nhắc nhở với cộng đồng tiền ảo thế giới rằng mô hình cho vay tiền ảo lãi lớn không có định nghĩa nào khác ngoài đa cấp biến tướng.
Cạm bẫy hứa hẹn làm giàu nhanh chóng
Những đồng tiền ảo đa cấp sau này vẫn giữ nguyên mô hình mà Bitconnect đã áp dụng. Quảng cáo trên nhiều kênh liên tiếp nhồi vào đầu nhà đầu tư nhẹ dạ những khái niệm như lãi từ 1-5% mỗi ngày, cam kết lãi trên 40% một tháng, nhà đầu tư đang tham gia vào “một cuộc cách mạng góp phần thúc đẩy ngành” nào đó. Tuy nhiên tất cả chỉ là bánh vẽ.
Tiếp bước Bitconnect, Lendconnect còn mạnh tay hơn khi cam kết mức lãi 160% trong một tháng với mức thưởng 8% cho mỗi nhà đầu tư mới mà người tham gia mời được về, ngoài ra mô hình hoạt động của Lendconnect hoàn toàn không có gì khác biệt so với Bitconnect.
Mô hình lừa đảo của Bitconnect đã cũ trên thế giới, nhưng vẫn mới tại Việt Nam. Ảnh: Medium. 
Dù đồng tiền ảo này vẫn đang trả lãi cho nhà đầu tư nhưng với bài học từ Bitconnect, cộng đồng đầu tư tiền ảo thế giới đã thận trọng tránh xa dự án này. Không có gì ngạc nhiên khi mỗi ngày chỉ có khoảng 120 USD khối lượng giao dịch Lendconnect phát sinh, con số cho thấy đồng tiền này đã chính thức “chết”.
Một cái tên khác thận trọng hơn là HomeBlockCoin. Đồng tiền ảo hoạt động theo hình thức giống Bitconnect với mức lãi suất đưa ra thấp hơn, chỉ khoảng 10% một tháng. Tuy nhiên đây vẫn là mức cao hơn lãi suất ngân hàng rất nhiều và hoa hồng mời gọi nhà đầu tư mới vẫn là 8% khiến đồng tiền ảo này sống khỏe hơn Lendconnect khi khối lượng giao dịch mỗi ngày lên tới khoảng 10.000 USD.
Những đồng tiền ảo trên sử dụng chiêu bài đã cũ trên thế giới, nhưng vẫn rất mới tại Việt Nam, đặc biệt là tại các vùng quê. Đó là lý do iFan đã lừa được tới 15.000 tỷ đồng từ nhiều tầng lớp nhà đầu tư Việt, bao gồm sinh viên và giới văn phòng, những người dân ở các vùng quê bằng những khóa “đào tạo đầu tư” giải thích tận tình cách thức tham gia. Với những "gói đầu tư" sinh lợi hấp dẫn, nhiều người đã dành hết cơ nghiệp của mình cho các dự án trá hình này.
Hiện công ty Modern Tech, pháp nhân của các hệ thống tiền số lừa đảo, vẫn im hơi lặng tiếng trước cáo buộc "lừa đảo 15.000 tỷ" tại Việt Nam. Theo những người trong nhóm xuống đường ngày 8/4, con số này là ước tính, chưa có thống kê chính xác nhưng số tiền bị mất thực tế có thể cao hơn.
Theo Ngô Minh/Zing News