Từ 1/1/2021, Luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực, quy định nhiều điểm mới về lương thưởng Tết.
Điều 103 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
|
Ảnh minh họa. |
Theo đó, từ ngày 1/1/2021, người sử dụng lao động được phép thưởng cho người lao động không chỉ bằng tiền mà còn có thể bằng tài sản hoặc các hình thức khác.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, quy định thưởng Tết bằng hiện vật đã được quy định trong Luật Lao động 2019. Như vậy, doanh nghiệp có thể thưởng bằng tiền hoặc hiện vật. Tuy nhiên, việc thưởng phải có sự thỏa thuận với người lao động và được người lao động đồng ý. Trường hợp doanh nghiệp cố tình “gán” sản phẩm, ép người lao động nhận hiện vật mà không có sự đồng thuận là sai quy định.
|
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. |
“Đề nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp làm đúng theo quy định về lương thưởng Tết. Tuy nhiên, cũng không nên ép buộc doanh nghiệp phải thưởng bằng tiền, bởi có những doanh nghiệp thưởng hiện vật có giá trị, thiết thực, có tính sử dụng cao với người lao động, thì hoàn toàn có thể áp dụng”, ông Bùi Sỹ Lợi cho hay.
Lao động cũng nên chia sẻ gánh nặng với doanh nghiệp
Cùng trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, theo quy định hiện hành của Luật Lao động 2012, tiền thưởng là khoản tiền của người chủ sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, chất lượng, hiệu quả làm việc của lao động.
Tuy nhiên, hiện nay, quy định này không còn phù hợp với thực tiễn, khi nhiều doanh nghiệp có nhiều hình thức thưởng Tết đa dạng, linh hoạt như thưởng bằng cổ phiếu, các tài sản có giá trị như ô tô, căn nhà, xe máy.... Như vậy, nếu vẫn giữ nguyên quy định thưởng Tết bằng tiền là không phù hợp với thực tiễn.
Theo đó, Luật Lao động 2019, có hiệu lực từ 1/1/2021 quy định thưởng Tết có thể bằng tiền hoặc các hình thức thưởng khác.
|
Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam). |
Ông Lê Đình Quảng cho rằng, nhiều lao động lo ngại doanh nghiệp sẽ lợi dụng quy định này để “gán” sản phẩm công ty thay vì thưởng Tết, hay có những hình thức thưởng “dở khóc dở cười” như thưởng giấy vệ sinh, vật liệu xây dựng như đã từng xảy ra trước đây. Song thực tế, quy định này không quá đáng ngại.
“Thưởng Tết là chính sách của người sử dụng lao động khuyến khích người lao động gắn bó với doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doạn. Đây là một nét văn hóa, với những doanh nghiệp không quá khó khăn, bao giờ cũng tìm những cách thưởng nhân văn nhất, thưởng bằng tiền. Việc thưởng bằng hiện vật, hay sản phẩm công ty thay vì tiền chỉ xảy ra ở những doanh nghiệp quá khó khăn. Số lượng này không nhiều”, ông Quảng cho hay.
Thưởng Tết phải có ý nghĩa và tính sử dụng cao
Cũng theo ông Lê Đình Quảng, nhằm bảo vệ quyền lợi của người lao động, luật cũng quy định rõ khi xây dựng quy chế thưởng, phải có sự tham gia bởi tổ chức công đoàn và công khai trước người lao động.
Như vậy, trong trường hợp doanh nghiệp thưởng bằng sản phẩm thay vì tiền mặt, bộ phận công đoàn cần xác minh, doanh nghiệp đó có lợi dụng quy định của pháp luật để thưởng sản phẩm, ép người lao động tiêu thụ hàng tồn, sản phẩm công ty hay không. Nếu có, đại diện công đoàn cần đối thoại trực tiếp với chủ sử dụng lao động. Trường hợp doanh nghiệp thực sự khó khăn, dù đã cố gắng nhưng vẫn không thể thưởng bằng tiền, người lao động cũng nên chia sẻ gánh nặng với doanh nghiệp.
Ông Lê Đình Quảng cho rằng, trong bối cảnh Luật Lao động 2019 có hiệu lực, việc xây dựng thang bảng lương, thưởng Tết đều do doanh nghiệp tự chủ, công đoàn cơ sở cần tăng cường, nâng cao vai trò hơn nữa trong việc bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động.
“Công đoàn phải tham gia thực chất, không phải chỉ có ý kiến cho có. Trong việc xây dựng thang lương, bảng lương hay tiền thưởng, nếu công đoàn không tham gia tích cực, một số chủ sử dụng lao động hoàn toàn có thể ép người lao động. Do đó, trách nhiệm của công đoàn được nâng lên rất nhiều”, ông Quảng nói.
Từ phía doanh nghiệp, bà Đặng Thị Nhạn, Phòng Nhân sự Công ty Bách Tường Phát chuyên hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, phân phối các sản phẩm nội thất, gia dụng, điện tử... cho rằng, quy định thưởng bằng tiền hay hiện vật cần linh động, tùy vào thực tế của từng doanh nghiệp và nhu cầu của người lao động. Tuy nhiên, bà Nhạn cho rằng, tâm lý chung của nhiều người lao động sau 1 năm làm việc vất vả vẫn thích được thưởng Tết hơn là tặng bằng hiện vật, để có thể chủ động chi tiêu, mua sắm theo nhu cầu. Doanh nghiệp thưởng bằng các sản phẩm, hiện vật cũng cần căn cứ vào nhu cầu của người lao động, thưởng với một mức vừa đủ số lượng sản phẩm.
Bà Trần Thu Hằng, phòng Hành chính công ty TNHH Minh Tiến cho biết, doanh nghiệp xác định các quà tặng bằng hiện vật chỉ mang tính chất kèm theo, nhưng không thể thiếu tiền thưởng. “Quà Tết phải thực sự có ý nghĩa, thiết thực, có tính sử dụng cao với người lao động trong dịp Tết. Chúng tôi vẫn sẽ thưởng cả tiền mặt và quà Tết để động viên người lao động sau một năm khó khăn”, bà Hằng cho hay./.
Theo Nguyễn Trang/VOV