Trung Quốc hiện nay đang nổi lên là thị trường lớn đầy tiềm năng tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam, nhất là hàng nông sản. Tuy nhiên, có rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười của nông dân, doanh nghiệp (DN) Việt khi làm ăn với thương lái Trung Quốc.
Mua kiểu “sáng nắng chiều mưa”
Ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, nhận định thị trường nhập khẩu của ngành thủy sản đang dịch chuyển từ châu Âu sang Trung Quốc.
“Mấy tháng đầu năm nay, lượng hàng thủy sản của nước ta vào Mỹ và châu Âu giảm trong khi Trung Quốc lại tăng mạnh, không chỉ cá tra mà cả lúa gạo. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc có nhiều rủi ro và bất trắc” - ông Dũng nói.
Quả thật chuyện nông dân, DN Việt gặp rủi ro khi làm ăn với Trung Quốc diễn ra không ít. Đơn cử giữa năm 2016, thương nhân Trung Quốc lùng sục đến tận ao tìm mua cá tra quá khổ, quá cỡ. Điều bất thường hơn là họ mua rất dễ dãi, không quan tâm đến chất lượng.
Đùng một cái đến cuối năm họ lại tìm mua cá non cỡ nhỏ 350-400g/con, trong khi cá đủ chuẩn xuất khẩu phải đạt trọng lượng 800-900g/con. Sau đó họ đột ngột không mua khiến giá cá lao dốc không phanh, nông dân điêu đứng.
Bà Mã Thị Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Sóc Trăng, cho hay đang gặp một số vấn đề trong làm ăn với đối tác Trung Quốc. Cụ thể, hầu hết đối tác Trung Quốc không mở L/C (tín dụng thư) mà đòi thanh toán trực tiếp dẫn đến nhiều công ty Việt bán hàng xong không nhận được tiền.
“Nhiều nơi bơm tạp chất agar - bột rau câu vào con tôm, khi hỏi ra thì người nuôi nói do thương lái Trung Quốc yêu cầu bơm. Cơ quan chức năng phát hiện xử phạt rất nặng nhưng vì người mua Trung Quốc bảo cứ bơm rau câu vào nên người nuôi vẫn bất chấp làm theo. Việc này đã ảnh hưởng đến uy tín, nguồn hàng sản xuất của các công ty chế biến trong nước” - bà Thanh kể.
|
Các DN Việt đang tăng cường xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc. Trong ảnh: Nông dân đang thu hoạch cá tra. Ảnh: CQ |
Chưa hết, theo bà Thanh, khi tôm hút hàng thì thương lái Trung Quốc vào bằng đường du lịch mua với giá rất cao khiến DN Việt không mua được. Sau đó thương lái Trung Quốc bỗng dưng không mua nữa, nông dân lao đao.
“Cần ngăn ngừa những trường hợp mua bán bất thường kiểu như trên. Có như vậy quan hệ mua bán mới bền vững lâu dài, ổn định” - bà Thanh nhấn mạnh.
Tổng lãnh sự Trung Quốc: "Hãy báo với chúng tôi"
Theo ông Huỳnh Trung Trứ, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.Cần Thơ, hiện nay nhiều DN Việt chưa có thông tin chính xác về thị trường Trung Quốc. Điều này khiến họ còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận với thị trường này.
Ông Võ Đông Đức, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (Caseamex), cũng cho hay đơn vị đã làm ăn với đối tác Trung Quốc từ hai năm nay. Thị trường này với dân số trên 1,3 tỉ là rất hấp dẫn cho các đơn vị xuất khẩu nhưng cũng xuất hiện không ít rủi ro, tranh chấp khi xuất khẩu sang Trung Quốc.
Bằng chứng là có thời điểm hàng Việt bán rất nhiều sang Trung Quốc, song cũng có lúc thị trường này mua bán rất hạn chế khiến hàng hóa bị ách tắc. Ví dụ như dưa hấu, thanh long, heo, cá tra...
Đó là chưa kể theo một số DN, không ít đối tác Trung Quốc đề nghị chỉ đặt cọc khoảng 30% tổng tiền lô hàng cá tra, cộng với giá vận chuyển trung bình một lô hàng cá tra tới cửa khẩu khoảng 45-47 triệu đồng. Nếu container tới cửa khẩu và phía bạn nhận hàng thì DN được, còn nếu không thì coi như mất trắng.
Tại hội thảo kinh doanh thành công cùng thị trường Trung Quốc vừa diễn ra ở Cần Thơ, ông Vương Chính Bảo, lãnh sự Phòng Kinh tế-Thương mại Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM, đề nghị một số giải pháp để giảm thiểu phát sinh những vấn đề vướng mắc như một số DN Việt Nam phản ánh. Theo ông Bảo, DN nên lựa chọn đối tác thận trọng; ưu tiên chọn những DN có quy mô lớn, uy tín lớn làm đối tác làm ăn với mình. Đồng thời nên buôn bán theo phương thức chính ngạch, không chỉ với thủy sản mà cả trái cây và nông sản khác.
Ông Bảo cũng cho rằng quan điểm của chính phủ Trung Quốc là kiên quyết phản đối, ngăn chặn DN Trung Quốc ra nước ngoài thực hiện các thương vụ bất hợp pháp. Trung Quốc cũng yêu cầu DN ra nước ngoài nghiêm túc tuân thủ luật pháp nước sở tại.
“Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM không xem nhẹ những trường hợp này (làm ăn bất hợp pháp - PV). DN Việt Nam nếu gặp trường hợp DN của chúng tôi làm ăn bất thường thì hãy khiếu nại, hoặc thông báo cho chúng tôi biết” - ông Bảo nói.
Chủ yếu xuất thô, giá trị thấp
Theo Tổng cục Hải quan, trong hai tháng đầu năm 2017, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường chủ lực đều có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đáng lưu ý, thị trường Trung Quốc đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ với 55,3%, kim ngạch gần 3,77 tỉ USD.
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc khá phong phú: Máy vi tính, sản phẩm điện tử; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác; các mặt hàng giày dép; gỗ và các sản phẩm gỗ; các mặt hàng thủy sản…
Tuy nhiên, một số công ty lo ngại rủi ro khi phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Hơn nữa, thị trường này tăng trưởng nhanh nhưng chủ yếu lại nhập hàng thô. Như vậy, các DN Việt chủ yếu làm gia công cho họ, còn phần giá trị gia tăng của sản phẩm thì không được bao nhiêu.
“Ví dụ các đối tác Trung Quốc thường mua cá tra Việt Nam về để chế biến hàng giá trị gia tăng với giá bán tăng hơn gấp 10 lần so với giá nhập khẩu” - đại diện một công ty tiết lộ.
Năm 2016, Trung Quốc chiếm 14% sản lượng tôm, 18% sản lượng cá tra trong tổng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam. Về gạo, ba năm nay thị trường Trung Quốc chiếm 36%-37% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Nhẫn Nam/Pháp Luật TP.HCM