Tại phiên tòa sáng 23/8, bị cáo Hoàng Đình Quyết, nguyên Giám đốc Ngân hàng Xây dựng chi nhánh Lam Giang đã khóc nức nở trước tòa khi nói về hoàn cảnh gia đình mong tòa xem xét khi kết tội.
Sáng 23/8, phiên xét xử ông Phạm Công Danh (52 tuổi, cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh) cùng đồng phạm về các tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng gây thất thoát 9.000 tỷ đồng tiếp tục với phần bào chữa.
Theo tin trên báo VOV, tại phiên xét xử, bị cáo Hoàng Đình Quyết, nguyên Giám đốc Ngân hàng Xây dựng chi nhánh Lam Giang tự bào chữa, cho rằng, cáo buộc gây thiệt hại trên 9.000 tỷ đồng đối với bị cáo là quá lớn.
Cáo buộc bị cáo cho vay nhưng không thẩm định hồ sơ vay là không đúng. Quyết khẳng định, bị cáo kiểm soát việc vay vốn, vốn đối ứng, các tài sản đảm bảo, cũng như phương án trả nợ của khách hàng đối với từng hồ sơ vay đúng quy định, quy trình. Tuy nhiên, việc dòng tiền di chuyển thế nào, bị cáo không biết.
Quyết khẳng định, các hồ sơ vay được định giá tài sản đảm bảo theo quy định, giá trị vốn vay bằng 40-45% giá trị tài sản đảm bảo nên không thể nói là lập hồ sơ khống được. Bị cáo Hoàng Đình Quyết kiến nghị thu hồi 5.490 tỷ đồng Nhóm bà Trần Ngọc Bích vay Ngân hàng Xây dựng, gồm 3 khoản vay 3.100 tỷ đồng, 2.090 tỷ đồng và 300 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án.
Tự bào chữa cho mình, Quyết cho rằng cáo buộc của toà quy bị cáo thực hiện chỉ đạo của Phạm Công Danh trong việc cho vay 5.190 tỷ đồng là không đúng, Quyết chỉ thực hiện nghiệp vụ chuyên môn theo chức trách được giao. Quyết chuyển 5.190 tỷ đồng từ tài khoản của bà Trần Ngọc Bích là được sự đồng thuận của bà Bích, chứ không phải như cáo buộc của cáo trạng là không được sự đồng ý của chủ tài khoản.
|
Các bị cáo trong vụ đại án 9.000 tỷ đồng được dẫn giải đến tòa sáng 23/8. Ảnh: VOV. |
Quyết cho rằng, bà Bích không dám đối diện với sự thật. Bà Bích lợi dụng lòng tốt của Quyết bằng việc cho nợ chứng từ khi chuyển khoản tiền 5.190 tỷ đồng, nhưng người thiệt hại là ông Phạm Công Danh chứ không phải Ngân hàng Xây dựng. Quyết nói, nếu được tố cáo thì Quyết tố cáo bà Bích đã gian dối trong việc này.
Bị cáo Hoàng Đình Quyết kiến nghị hội đồng xét xử làm rõ bản chất các hành vi trong vụ án, để phiên toà mang tính nhân văn, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật. Mong hội đồng xét xử công tâm để bị cáo có cơ hội đóng góp cho xã hội.
Quyết nói, tổng thiệt hại của vụ án là khoảng 18.000 tỷ đồng (giai đoạn 1 đưa ra xét xử thiệt hại trên 9.000 tỷ đồng), trong đó riêng bị cáo Phạm Công Danh phải chịu trách nhiệm trên 5.000 tỷ đồng. Tổng số thiệt hại còn lại trên 13.000 tỷ đồng, bị cáo Quyết đã đưa ra số liệu các khoản tiền có trong cáo trạng nếu được thu hồi có tổng số trên 14.000 tỷ đồng đủ để khắc phục hậu quả vụ án… Bị cáo Quyết nức nở khóc khi nhắc đến hoàn cảnh gia đình có cha là thương binh, gia đình rất đau khổ khi Quyết bị kết tội…
Trước đó, trong phiên xét xử chiều 22/8, tại phần tự bào chữa cho mình, bị cáo Phạm Công Danh cũng đã khóc và xin giảm nhẹ tội cho cấp dưới của mình.
Ông Danh khẳng định các nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh và nhân viên ngân hàng dưới quyền của ông đều không có động cơ, mục đích gì trong quá trình tái cơ cấu VNCB. Ông mong HĐXX, VKS xem xét giảm nhẹ hình phạt cho họ, theo tin trên báo VnExpress.
Ông Danh nói, khi tiếp nhận, VNCB đang thua lỗ nặng nên bản thân đứng trước nhiều khó khăn, áp lực. "Tôi đã từng khát khao tái cơ cấu được ngân hàng này. Tôi không xin giảm nhẹ tội cho bản thân, cho những việc tôi làm sai, mà tôi muốn nói rằng, bối cảnh ngân hàng lúc đó đến Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng không tái cơ cấu được. Tôi đứng ra nhận đã thể hiện tâm huyết của tôi với ngân hàng", ông nói và tha thiết xin cho mình trong khuôn khổ pháp luật được khắc phục hậu quả. "Tôi vẫn tin rằng chúng tôi có thể khắc phục được 100%", bị cáo quả quyết.
Liên quan đến việc mua lại cổ phần của nhóm bà Hứa Thị Phấn (cựu chủ tịch Ngân hàng Đại Tín – Trustbank), ông Danh cho rằng "không muốn dùng chữ bị lừa nhưng đúng thật mình bị lừa". "Không ai bỏ ra 3.600 tỷ mà lại như thế cả. Đến khi tôi nộp khoản tiền này rồi thì nhận được nhiều đơn khiếu nại khiến tôi không lấy tài sản ra được. Khoản này tôi đã trả vào tài khoản tại Ngân hàng Xây dựng thì đề nghị trả lại cho tôi", ông nói.
Đối với quan hệ vay mượn của nhóm bà Trần Ngọc Bích (Giám đốc Công ty TNHH Tân Hiệp Phát), ông Danh nói, dù bà Bích và ông Thanh (bố bà Bích) không thừa nhận việc giao dịch nhưng ông "có rất nhiều hình ảnh cho thấy nhiều lần làm việc với họ".
"Nhiều khoản tiền giao dịch cũng lặp đi lặp lại thì không có lý do gì không làm việc với tôi. Câu hỏi ‘tiền đó là tiền gì’ hiện nhóm ông Thanh cũng không trả lời được. Và tôi khẳng định lời khai đó là tiền lãi như lời khai của anh Quyết (Hoàng Đình Quyết, nguyên phó giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) là hoàn toàn đúng", ông Danh khẳng định.
Theo cựu chủ tịch VNCB, ông luôn mong muốn khắc phục hậu quả, kể từ khi cơ quan điều tra bắt đầu làm việc cho đến nay. Dù bệnh tật nhưng bất cứ lúc nào có cơ hội, ông đều cố gắng hết sức để tìm cách. Trong các cuộc họp khi có cơ hội để làm điều này ông đều tham gia.
"Tôi chắc chắn khắc phục được hậu quả, thậm chí có nhiều doanh nghiệp, mỗi người một chút giúp tôi mảnh đất để cho tôi được xử lý sai phạm. Tôi kính mong HĐXX, đại diện VKS công tâm xem xét cho không chỉ tôi mà những người liên quan đến tôi. Bởi, nếu ai muốn cứu cái gì đó, dành mọi tâm huyết cho nó mà bị sai sót thì cho họ cơ hội được khắc phục sai sót...", ông Danh lạc giọng, bật khóc. Ông cũng khẳng định bản thân không sử dụng một đồng tiền nào trong quá trình tái cơ cấu VNCB.
Theo Hòa Hậu/Doanh nghiệp Việt Nam