Thuê xe tự lái tránh dịch, giá tăng vẫn "cháy" hàng

Google News

Để yên tâm về quê và đi lại dịp Tết khi dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, thay vì ra bến xe, ga tàu về Tếtnhiều người dân tại Hà Nội đã chọn tự lái.

Giá cao gấp đôi và phải thuê trọn 10 ngày
Trong vai người thuê ô tô tự lái để đi lại dịp Tết, ngày 25/1, PV Tiền Phong đã đến các tuyến phố đang có nhiều cửa hàng cho thuê ô tô tự lái tại Hà Nội để hỏi thuê xe. Trên các tuyến phố như Nguyễn Trãi, Giải Phóng, Trần Khát Chân, Xã Đàn, Dịch Vọng chúng tôi đều ghi nhận, nhiều cửa hàng cho biết, họ đã được khách đặt cọc thuê hết xe dịp Tết.
Thue xe tu lai tranh dich, gia tang van
Giá thuê xe tự lái đang tăng gấp đôi giá thường ngày 
Tại ngõ 13 Giải Phóng (Hoàng Mai), trong gần chục cửa hàng cho thuê ô tô tự lái ở đây, chỉ duy nhất cửa hàng cho thuê ô tô Thành Đạt còn khoảng 5 xe cho thuê. Loại xe cửa hàng Thành Đạt còn để cho khách thuê là xe Hyundai i10 đăng ký năm 2019 - 2020.
Để thuê được xe loại này đi trong dịp Tết, đại diện cửa hàng Thành Đạt đưa ra điều kiện, khách phải thuê trọn gói 10 ngày (từ 26 tháng Chạp đến ngày mùng 6 Tết), chi phí là 1,3 triệu/ngày, tổng 10 ngày là 13 triệu đồng. So với giá thuê ngày thường, loại xe này chỉ 600 nghìn đồng/ngày.
Tại cửa hàng cho thuê ô tô Phương Đông, phố Xã Đàn (Đống Đa), đại diện cửa hàng cho biết, các dòng xe phổ thông như Toyota Vios, Hyundai Accent, Honda Civic, Mazda 2, Mazda 3… đã cho thuê hết; hiện chỉ còn dòng xe Vinfast Lux A2.0. Giá thuê trọn gói 10 ngày của dòng xe này được đại diện cửa hàng Phương Đông báo là 27 triệu đồng, trung bình 2,7 triệu đồng/ngày. So với giá ngày thường là 1,5 triệu đồng giá này đang cao gần gấp đôi.
Theo ghi nhận, Tết là khoảng thời gian lượng khách thuê xe đi về quê hay đi du lịch tăng cao. Khảo sát tại các điểm thuê xe ở Hà Nội cho thấy một số loại xe có giá thuê đắt hơn 50 - 70% so với ngày thường. Xe cho thuê có nhiều loại từ xe nhỏ, bình dân cho đến các xe gầm cao.
Trong dịp nghỉ lễ, khách hàng chỉ được thuê trọn gói 10 ngày, mức “giá Tết” được tính từ ngày 26 tháng Chạp đến ngày mồng 6 Tết (tức 28/1 - 6/2/2022). Để có xe đi lại dịp Tết, khách hàng sẽ bỏ ra từ 10 đến 30 triệu đồng tùy xe số sàn hay số tự động. Mức giá này đang cao hơn 30% so với dịp Tết năm ngoái.
Nhiều rủi ro pháp lý
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, do là tài sản có giá trị nên các đại lý, cửa hàng cho thuê ô tô thường tự đưa ra các điều kiện ngặt nghèo để áp đặt cho người thuê xe.
Theo đó, ngoài tài sản thế chấp ban đầu là 1 chiếc xe máy hoặc 20 - 30 triệu đồng tiền mặt, khách hàng thuê xe còn phải trình và gửi lại các giấy tờ tùy thân bản gốc, gồm: Sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, giấy phép lái xe (được trình ra ghi lại thông tin và trả lại để khách đi đường).
Lưu ý cho nội dung này, ông Liên cho rằng, người thuê xe cũng cần đọc kỹ các điều khoản hợp đồng thuê xe và kiểm tra cẩn thận hiện trạng của chiếc xe, mức xăng, số km trên cụm đồng hồ trước khi lưu hành. Thông thường các xe cho thuê đều giới hạn số km trong khoảng 200-250 km/ngày. Vượt quá số km trên, khách hàng sẽ bị tính thêm phụ phí khoảng 2 nghìn đồng/km.
“Việc sử dụng ôtô thuê tự lái cũng đòi hỏi người dùng phải cẩn thận bởi những va chạm, trầy xước không đáng có sẽ khiến người thuê mất thêm chi phí. Trường hợp xảy ra tai nạn, người sử dụng cũng buộc phải đền bù toàn bộ chi phí lưu giữ và sửa xe”, ông Liên lưu ý.
Trung tá Nguyễn Tuấn Anh, Đội phó Đội CSGT số 14, Phòng CSGT Hà Nội cho biết, qua tuần tra, kiểm soát giao thông tại khu vực cửa ngõ và các đường cao tốc, CSGT đã bắt gặp nhiều trường hợp người tham gia giao thông đi lại bằng ô tô thuê dịch vụ.
“Điểm dễ nhận biết nhất của việc này là hầu hết các xe cho thuê chủ cửa hàng không bao giờ đưa đăng ký gốc cho người thuê xe, có thể vì lý do an toàn cho tài sản hoặc xe bị cắm ngân hàng nên chủ cửa hàng chỉ đưa đăng ký công chứng cho khách. Điều này cũng tiềm ẩn rủi ro nếu xe thuê là xe thế chấp ngân hàng, xe đang trong quá trình giải quyết tranh chấp, kiện tụng. Nếu gặp các trường hợp này và lực lượng chức năng xác minh được, xe sẽ bị tạm giữ và không thể lưu thông tiếp trên đường, người thuê xe sẽ gánh thiệt hại”, ông Tuấn Anh nói.
Do vậy, để tránh những tình huống trên, ông Tuấn Anh cho rằng, tuy nhận giấy tờ công chứng, nhưng khi nhận xe thuê, khách hàng cần kiểm tra, đối chiếu với giấy tờ gốc, nếu xe không có giấy tờ gốc tốt nhất không nên thuê, việc này nhằm tránh thiệt hại, lỡ việc.

Theo An Trần/ Tiền Phong