Thực phẩm Sao Ta: Lợi nhuận quý 4 lùi 26%

Google News

FMC có kỳ kinh doanh đi lùi, với lãi ròng đạt hơn 78 tỷ đồng, giảm 26% do thị trường tiêu thụ chịu ảnh hưởng từ lạm phát và suy thoái kinh tế dẫn đến doanh số bán giảm.

Theo BCTC hợp nhất quý 4/2022, doanh thu thuần của CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) giảm 16% so cùng kỳ đạt gần 1.211 tỷ đồng. Giá vốn cũng giảm hơn 15%, khiến lãi gộp sụt giảm 23%, còn 154,5 tỷ đồng.
Kỳ này, doanh thu hoạt động tài chính gấp đến 2,2 lần cùng kỳ lên gần 36 tỷ đồng, mức tăng chủ yếu do lãi chênh lệch tỷ giá. Song song đó thì chi phí tài chính tăng mạnh hơn, lên hơn 38 tỷ đồng (gấp 5 lần cùng kỳ).
Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 19%, lên hơn 32 tỷ đồng, trong khi chi phí bán hàng giảm hơn phân nửa còn hơn 36 tỷ đồng.
Thuc pham Sao Ta: Loi nhuan quy 4 lui 26%
 FMC có quý kinh doanh thụt lùi
Sau cùng, FMC có quý 4 kinh doanh đi lùi, với lãi ròng đạt hơn 78 tỷ đồng, giảm 26%. FMC cho biết nguyên nhân chính khiến lãi sau thuế quý 4 giảm do thị trường tiêu thụ chịu ảnh hưởng từ lạm phát và suy thoái kinh tế nên sức tiêu thụ của FMC cũng bị trầm lắng, dẫn đến doanh số bán giảm.
Lũy kế năm 2022, FMC ghi nhận doanh thu thuần tăng 10% so với cùng kỳ, đạt gần 5.702 tỷ đồng và lãi ròng tăng 15%, đạt 307 tỷ đồng.
Với kết quả đạt được, Công ty đã vượt gần 8% chỉ tiêu doanh thu và vượt gần 3% chỉ tiêu lãi trước thuế 2022.
Tổng tài sản tính đến 31/12/2022 gần 3.000 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Hàng tồn kho giảm nhẹ 1% còn 929 tỷ đồng, với gần 710 tỷ đồng là thành phẩm (tăng 7%). 
Kỳ này, chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng vọt, đạt 455 tỷ đồng (gấp 2,4 lần đầu năm), phần tăng chủ yếu đến từ dự án Nhà máy thủy sản Sao Ta chiếm 85% tổng chi phí, đạt hơn 377 tỷ đồng, gấp 4,6 lần đầu năm
Nợ phải trả tính đến cuối năm 2022 gần 874 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ vay ngắn hạn 515 tỷ đồng, tăng 24% và dư nợ vay dài hạn hơn 10 tỷ đồng, gần như đi ngang so với đầu năm.
Hà Thảo