Bọ biển giống như con côn trùng phóng to, còn có tên gọi khác là bọ chân đều, rận biển (tên tiếng Anh là isopod, tên khoa học là Bathynomus giganteus) nhưng thực sự chúng không phải là côn trùng.
Bọ biển thuộc họ giáp xác (tựa như pha trộn giữa tôm và cua) - là một chi giáp xác lớn nhất trong bộ chân đều. Chúng có nhiều ở vùng nước lạnh và sâu ở Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Ngon hơn tôm hùm, giá rẻ bất ngờ
Trước đây, bọ biển được coi là loại hải sản “nhà giàu” vì chúng có thời điểm giá lên tới 2,1 - 2,8 triệu đồng/kg. Với những con bọ biển có trọng lượng lớn, trên dưới 2kg sẽ có giá lên tới 5 - 6 triệu đồng.
Sở dĩ bọ biển có giá đắt đỏ như vậy là vì chúng sống ở dưới đáy biển sâu, được đánh bắt hoàn toàn ngoài tự nhiên, ngư dân cũng phải dùng đến những thiết bị chuyên dụng để đánh bắt.
Ngoài lớp thịt thơm, dai, ngon hơn tôm hùm, bọ biển còn được đánh giá cao về hàm lượng dinh dưỡng có chứa một lượng lớn canxi, protein, axit béo omega-3, vitamin B12…
|
Bọ biển được rao bán trên mạng, với giá rẻ bất ngờ |
Tuy nhiên, thời gian gần đây, bọ biển bất ngờ được rao bán khắp trên chợ hải sản online với giá rẻ bất ngờ.
Một cửa hàng cung cấp hải sản online tại khu vực quận 7, TP HCM rao giá, bọ biển sống trọng lượng 350 – 450 gram chỉ 180.000 đồng/con, tương đương chỉ 360.000 – 540.000 đồng/kg.
Một cửa hàng hải sản online khác tại TP HCM cũng rao giá bọ biển bán theo con, khoảng 230.000 đồng/con (trọng lượng 300 – 400 gram/con); những con trên 400 – 500 gram giá 280.000 đồng/con…
“Mọi năm giá bọ biển khá cao nhưng năm nay được mùa đánh bắt nên rẻ hơn nhiều. Bên tôi đang bán bọ biển tươi sống, giá từ 500.000 – 700.000 đồng/kg. Đặc biệt, loại từ 1 – 2 kg/con, giá chỉ 890.000 đồng/kg”, một chủ cửa hàng bán hải sản online cho hay.
Ngoài ra, bọ biển “ngộp” (chết) còn được những cửa hàng hải sản này đại hạ giá chỉ còn 170.000 đồng/kg. Các cửa hàng bán sẵn sàng hấp chín trước khi giao cho khách.
Cẩn trọng tiền mất tật mang
Chị Lê Thảo Hương (quận 3, TP HCM) cho biết, vừa rồi thấy bọ biển rao bán trên online có giá rẻ bất ngờ, chị đã đặt 1 con hơn 1 kg về nướng mỡ hành với giá 890.000 đồng/kg.
“Vài năm trước, tôi từng mua 1 con bọ biển về đãi khách với giá 2,1 triệu đồng/kg. Nghe nói năm nay được mùa nên mới có giá rẻ như thế, nên tôi đã đặt mua. Nhưng khi đem nướng lên rồi thì mới ngã ngửa, phần thịt rất ít, lại còn bị bủn”, chị Thảo Hương chia sẻ.
Ông Trần Nhân Kiệt, Giám đốc Công ty TNHH nhà hàng hải sản Phương Nam cho biết, bọ biển đã có mặt trên thị trường từ lâu, hầu hết có nguồn gốc từ các vùng biển Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa… Từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm bọ biển xuất hiện nhiều hơn. Tuy nhiên, giá bọ biển không hề rẻ, ngay cả đúng mùa cũng trên 1 triệu đồng/kg (loại 600 gram/con), nhưng nếu trái mùa có giá từ 1,7 – 1,8 triệu đồng/kg (loại 600 gram/con). Loại trọng lượng càng lớn thì giá càng cao, do loài này không nuôi được mà chỉ đánh bắt được trên biển nhưng sản lượng đánh bắt được ngày càng ít đi.
|
Khách hàng cần cẩn trọng trong việc lựa chọn hình thức mua bán và chế biến bọ biển |
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế chung đang khó khăn nên nhu cầu ăn hải sản cũng giảm gần phân nửa so với các năm trước. Với bọ biển, sức mua không còn cao như trước, một số điểm bán hay chạy quảng cáo, chế biến món ăn từ bọ biển cho mới lạ hơn hoặc thuê các tiktoker, youtuber nổi tiếng đánh giá về bọ biển để tạo thành cơn sốt. Trong khi đó, tâm lý thực khách thường hay ăn uống theo đánh giá quảng cáo trên mạng xã hội nên dễ mắc bẫy.
“Nếu bọ biển còn sống mà có giá rẻ thì đó có thể là bọ biển bán ế, nhốt lâu từ 4 - 7 ngày khiến nó bị ốm, thịt không còn ngọt và chắc giống bọ biển mới đánh bắt từ biển về. Nhất là bọ biển “ngộp” giá rẻ, khách hàng không nên mua vì không giống các loại cá, thịt bọ biển khi chết rất nhanh phân hủy, thịt bị bủn, thậm chí là không còn thịt mà chỉ còn khung xương”, ông Trần Nhân Kiệt nói.
Ông Lê Đình Bắc, chủ một cửa hàng hải sản ở TP Thủ Đức chia sẻ thêm, khách hàng mua hải sản online cần lưu ý với dịch vụ “nhận hấp chín bọ biển trước khi giao”. Bởi khách hàng sẽ không rõ bọ biển trước khi hấp là hàng còn sống hay là hàng đông lạnh.
“Khi ăn vào miệng, chúng ta mới có thể dễ dàng phân biệt bọ biển tươi sống hay hàng đông lạnh, song lúc này khách hàng đã thanh toán tiền rồi, rất khó khiếu nại chất lượng với các điểm bán”, ông Lê Đình Bắc nói.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam cũng cho biết, bọ biển là một họ giáp xác ở biển, đã có từ lâu. Phần thịt, trứng của bọ biển ăn được và chứa nhiều giá trị dinh dưỡng. Lưu ý người dân phải chế biến chín bọ biển, tránh ăn tái hay chưa chín. Với những người có cơ địa dị ứng thực phẩm thì nên hạn chế.
Trong đó, đối tượng nguy cơ cao dễ bị dị ứng với hải sản là trẻ em, người cao tuổi, người mắc một trong các bệnh dị ứng như: bệnh hen suyễn, chàm, hoặc trong gia đình có nhiều người có cơ địa dị ứng. Tuy nhiên, do hàng ngày không sử dụng các loại hải sản nên nhiều người không biết mình có dị ứng hay không.
Thiên Bảo