Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế vừa mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở gồm các khu đất có ký hiệu OTM4, OTM6, LK16, LK17, CC12, CX2 tại nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp - Tố Hữu lần thứ 3.
Theo đó, liên danh Công ty CP Tập đoàn Đá quý DOJI - Công ty TNHH Đầu tư bất động sản DOJI Land - Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Blue Star là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án.
Về nhà đầu tư, tìm hiểu cho thấy, Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI có tiền thân là Công ty Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD, được thành lập ngày 28/7/1994, đến năm 2007 thì đổi tên thành Công ty CP Vàng bạc Đá quý & Đầu tư Thương mại DOJI. Năm 2009, DOJI chính thức trở thành Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI. Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập Đoàn DOJI là ông Đỗ Minh Phú, đồng thời ông Phú cũng là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).
Đến thời điểm hiện tại, DOJI đang có 14 công ty thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con gồm: Công ty CP Thế Giới Kim Cương, Công ty CP Thế giới Kim Cương TGKC, Công ty TNHH Đầu tư bất động sản DOJI Land, Công ty TNHH Bất động sản Blue Star, Công ty CP Vàng bạc Đá quý SJC Hà Nội, Công ty CP Vàng bạc Đá quý SJC Đà Nẵng, Công ty CP Khu du lịch sinh thái Tam Đảo, Công ty TNHH Xây lắp và Kỹ thuật Phúc Thịnh, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Bông Sen Đỏ, Công ty TNHH Đầu tư Thương mại DOJI, Công ty CP Đá quý và Vàng Yên Bái, Công ty CP Ngoại thương và Phát triển đầu tư địa ốc Châu Lục, Công ty CP XNK Văn hóa phẩm, Công ty CP Thương mại Hải Phòng Plaza.
|
Thừa Thiên Huế: Soi năng lực DN làm DA gần 4.300 tỷ (ảnh minh họa: Khu đô thị mới An Vân Dương, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nguồn: Internet). |
Ngoài ra, DOJI còn có 4 công ty liên kết góp vốn gồm: Ngân hàng TMCP Tiên phong, Công ty CP Diana Unicharm, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển N&G, Công ty Đầu tư và Khoáng sản Yên Bái. Hiện Doji có 50 chi nhánh, gần 200 trung tâm kinh doanh và hơn 400 đại lý trên toàn quốc. Vốn chủ sở hữu của Tập đoàn là 6.000 tỷ đồng với tổng tài sản là 15.000 tỷ đồng và tổng số lao động là gần 3.000 cán bộ nhân viên.
Không chỉ kinh doanh vàng bạc đá quý mà DOJI còn lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác như bất động sản, du lịch, tài chính... Ở lĩnh vực bất động sản, DOJI dần tạo dựng tên tuổi với nhiều dự án nổi bật nằm ngay tại vị trí trung tâm các thành phố lớn như: Tòa nhà DOJI Tower tọa lạc tại số 5 Lê Duẩn, Hà Nội, cao 16 tầng và 3 tầng hầm với tổng diện tích sử dụng 18.883m2 đang được DOJI sử dụng làm trụ sở chính; tòa nhà Ruby Plaza (số 44 Lê Ngọc Hân, Hà Nội); dự án chung cư cao cấp The Sapphire Residence (TP Hạ Long, Quảng Ninh) với quy mô 4,77ha, tổng mức đầu tư 4.272 tỷ đồng; Khu đô thị Nam Vĩnh Yên có tổng diện tích 65,6ha, tổng số vốn đầu tư 3.900 tỷ đồng…
Thống kê dữ liệu đấu thầu cho thấy, Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI đã tham gia 10 gói thầu, trong đó trúng 9 gói, trượt 0 gói, 1 chưa có kết quả, 0 gói đã bị huỷ, với tổng giá trị trúng thầu hơn 8,8 tỷ đồng.
Trong khi đó, 2 công ty thành viên của Tập đoàn DOJI là Công ty TNHH Đầu tư bất động sản DOJI Land có trụ sở đóng tại tầng 9, tòa nhà DOJI Tower, số 5 Lê Duẩn, phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Còn Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Blue Star có địa chỉ đóng tại số 163 Trần Hưng Đạo, phường Đông Ba, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, được cấp phép hoạt động từ 25/12/2017 do ông Nguyễn Minh Hoàng làm người đại diện pháp luật công ty.
Thông tin liên quan, ngày 21/2/2022, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Quyết định số 487/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở tại nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp - Tố Hữu.
Dự án có tổng sử dụng đất với tổng diện tích đất 18,26ha, được thực hiện trên các khu đất có ký hiệu OTM4, OTM6, LK16, LK17, CC12, CX2 tại nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp - Tố Hữu nằm trong khu A - Đô thị mới An Vân Dương, thuộc địa bàn phường An Đông và phường Xuân Phú, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Dự án sẽ xây dựng khoảng 160 căn nhà ở dạng thấp tầng và khoảng 2.100 căn hộ thương mại. Dân số dự án khoảng 9.000 người. Ngoài ra, tại dự án này, nhà đầu tư trúng thầu phải dành khoảng 2,47ha đất để xây dựng nhà ở xã hội.
Tổng vốn đầu tư dự án khoảng 4.280 tỷ đồng, trong đó chi phí thực hiện hơn 4.123 tỷ đồng, còn lại là chi phí bồi thường và hỗ trợ tái định cư. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày có quyết định giao và cho thuê đất. Tiến độ thực hiện dự án không quá 60 tháng kể từ ngày bàn giao đất trên thực địa, tiến độ xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật không quá 24 tháng.
Trước đó, vào tháng 7/2020, dự án này có 2 nhà đầu tư cạnh tranh. Cụ thể, theo công bố kết quả sơ tuyển, 2 nhà đầu tư trúng sơ tuyển dự án là Công ty CP Bamboo Capital và liên danh Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI - Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản DOJI Land - Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Blue Star.
Liên Hà Thái