Phát biểu chỉ đạo hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra sáng nay (27/8), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội; môi trường sinh thái; quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước; kết nối giao thương với các nước ASEAN và vùng Tây Nam - Trung Quốc…
Dù tiềm năng của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ rất lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp, có nơi, có lúc còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại Trung ương, tính tự lực, tự cường chưa cao. Cả vùng và các địa phương trong vùng phải có sự tự tin đi lên, tự lực, tự cường phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ(Ảnh: VGP/Nhật Bắc).
Về giải pháp, ngoài việc tăng cường phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng cũng yêu cầu quán triệt, nắm vững và triển khai đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra trong Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ, giải pháp một cách trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, tập trung, tích cực triển khai xây dựng, hoàn thiện quy hoạch vùng, coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của vùng và từng địa phương trong vùng trong thời gian tới.
Tiếp đó, tập trung giải ngân vốn đầu tư công, gồm vốn đầu tư công trung hạn, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, logistics, hạ tầng xã hội, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Vấn đề được đặt ra là ưu tiên đầu tư xây dựng, hoàn thành các tuyến cao tốc kết nối liên kết Vùng, kết nối cảng biển, sân bay, các cửa khẩu quốc tế chính… hình thành một số cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế của vùng. Khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Bên cạnh đó là ưu tiên nguồn lực đầu tư hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tháo gỡ nút thắt về nguồn nhân lực. Xác định đầu tư cho giáo dục và đào tạo và y tế là đầu tư cho phát triển.
Tại hội nghị, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư "đã cam kết thì phải làm bằng được", "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "chân thành, trách nhiệm". Đồng thời, nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động và đồng hành với chính quyền, nhân dân địa phương, tiếp tục chung tay, đồng hành cùng Chính phủ, các địa phương trong phát triển xanh, bền vững và toàn diện vùng.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc phát triển nhanh, bền vững và toàn diện vùng Trung du và miền núi phía Bắc sẽ góp phần cùng cả nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phú
Theo Trần Kháng/Dân Trí