Thu rác về nhà rồi biến thành sản phẩm giá lên đến nửa triệu đồng

Google News

Hầu hết mọi người đều đem vứt đi và coi đó là rác thải nhưng ít ai biết được nó có thể sử dụng làm ra các sản phẩm có giá lên đến nửa triệu đồng.

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 15 tỉ vỏ hộp sữa giấy đã qua sử dụng (tương đương 150.000 tấn) được thải bỏ, trong khi 100% vỏ hộp sữa giấy có thể tái chế thành nguồn nguyên liệu và các sản phẩm có ích.

Là một người quan tâm đến môi trường và lại thích tìm hiểu, tự chế các loại máy móc trong sản xuất, anh Thái Khắc Tiến (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) dày công nghiên cứu để chế tạo các sản phẩm làm từ vỏ hộp sữa.

Khoảng đầu năm 2018, anh bắt đầu tìm hiểu về các loại máy móc cũng như sản phẩm tái chế từ vỏ hộp sữa tươi. Chia sẻ với bạn bè, anh được vài người bạn giới thiệu cho biết các sản phẩm tái chế từ loại rác thải này của người Ấn Độ và Thái Lan.

Thu rac ve nha roi bien thanh san pham gia len den nua trieu dong

Các sản phẩm chậu trồng cây được tái chế từ vỏ hộp sữa.

“Bản thân tôi thấy các sản phẩm rất hay, lại thấy ở Việt Nam có rất nhiều rác thải độc hại, nguy hiểm vì khó phân hủy, trong đó có vỏ hộp sữa tươi. Trong khi đó, lượng vỏ hộp sữa thải ra môi trường rất nhiều nên tôi quyết tâm tìm hiểu sâu hơn để tái chế chúng”, anh cho hay.

Sau gần 1 năm nghiên cứu, đến cuối 2018, anh đầu tư máy móc nhưng chỉ mua các loại máy cũ về sửa chữa và cải tạo, bắt đầu thử nghiệm tái chế. Do chưa có nhiều kinh nghiệm và kinh phí hạn hẹp, anh Tiến đi xin và thu gom các loại vỏ hộp sữa tươi từ nhà người quen, bạn bè… “Có nhiều người tò mò hỏi, thắc mắc và thấy kỳ lạ khi tôi xin vỏ hộp sữa nhưng họ vẫn vui vẻ thu gom cho”, anh cho hay.

Thu rac ve nha roi bien thanh san pham gia len den nua trieu dong-Hinh-2

Những sản phẩm này được cấp chứng chỉ về an toàn từ kim loại nặng để chỉ tiêu cơ lý.

Những sản phẩm tái chế từ vỏ hộp sữa đầu tiên cũng ra đời, theo đúng hướng của người Ấn Độ và Thái Lan. Tức là, anh chỉ xay vỏ hộp ra, sau đó cho vào bàn ép nhiệt thành tấm. Bề mặt khá đẹp nhưng điểm hạn chế lớn nhất là sản phẩm làm từ cách này sẽ không chịu được va đập, nắng, mưa, chỉ sử dụng một thời gian sẽ hỏng, tạo thành mảnh nhỏ còn gây ô nhiễm môi trường hơn.

Nhận thấy điểm hạn chế lớn, anh trăn trở rất nhiều ngày và tiếp tục nghiên cứu để có cách làm khác xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm này. Anh đã nhiều ngày mất ăn mất ngủ để cải tạo máy, bổ sung các công đoạn xử lý nhiệt. Cuối cùng, anh cũng thành công, vỏ hộp sữa sau khi xử lý chỉ cần bỏ vào máy là ép ra được các đồ dùng theo khuôn mẫu có trước như chậu cây, lót cốc, lót ly…

Thu rac ve nha roi bien thanh san pham gia len den nua trieu dong-Hinh-3

Các sản phẩm này được bán giá dao động từ 5.000 - 500.000 đồng, tùy theo kích thước và độ khó.

Các sản phẩm tái chế này của anh đã được Viện vật liệu xây dựng cấp chứng chỉ an toàn về an toàn từ kim loại nặng, formandehit đến chỉ tiêu cơ lý. Vì vậy, anh bắt đầu bán các sản phẩm này ra thị trường, đồng thời thu gom nhiều vỏ hộp sữa trên toàn quốc với mong muốn giảm thiểu rác thải nguy hại cho môi trường.

Hiện, anh đã xây dựng một xưởng tái chế riêng biệt, có đội ngũ sản xuất mỗi tháng cho ra 3.000 sản phẩm. Do còn mới, anh mới chỉ sản xuất một số sản phẩm đơn giản, kích thước nhỏ như chậu cây, lót ly... với giá dao động khoảng 5.000 – 500.000 đồng (tùy kích thước và độ khó). Sắp tới, anh dự định sẽ làm các sản phẩm kích thước lớn, ứng dụng trong ngành xây dựng như vách tường, bàn ghế…

Thu rac ve nha roi bien thanh san pham gia len den nua trieu dong-Hinh-4

Thời gian tới, anh dự định sẽ làm các sản phẩm có kích thước lớn, phục vụ cho ngành xây dựng.

Anh cho biết để có được những sản phẩm bán ra thị trường, anh vượt qua rất nhiều khó khăn. “Có lẽ, chỉ những ai làm mới có thể thấu hiểu được”, anh tâm sự. Cụ thể, anh chỉ ra một số dẫn chứng như vỏ hộp sữa phải tự đi thu gom, mà loại rác thải có mặt khắp nơi nên đi thu gom mất nhiều công sức và thời gian. Tiếp nữa, sữa thừa trong hộp thường lên men, có dòi bọ, chuột cắn… rất mất vệ sinh. Không chỉ thế, vỏ hộp sữa này còn được bỏ lẫn cũng các loại rác khác…

Và anh đầu tư máy móc công nghiệp, như máy xay nghiền, máy ép 200 tấn… Máy móc phải theo một dây chuyền và phải cải tạo từ các máy có sẵn để phù hợp với vật liệu mình sử dụng. Điều này rất mất thời gian và tốn nhiều chi phí.

Anh cho biết mục tiêu bây giờ chỉ là cố gắng để tạo thành hệ sinh thái tái chế hoàn chỉnh, vận động mọi người ý thức hạn chế sử dụng những sản phẩm có tác động xấu đến môi trường. Đồng thời, anh muốn cố gắng thực hiện sớm dây chuyền hoàn chỉnh, dễ sử dụng, dễ vận chuyển… từ đó đặt các cơ sở sản xuất ở nhiều thành phố lớn, tăng hiệu quả trong tái chế giảm thời gian chi phí vận chuyển khi thu gom.

 

Theo Anh Thư/Dân Việt