Thủ phủ mật mía đỏ lửa ngày đêm phục vụ Tết Nguyên đán

Google News

Mặc dù đã vào cuối vụ nhưng thủ phủ mật mía Thọ Điền (Vũ Quang, Hà Tĩnh) vẫn đỏ lửa suốt ngày, làm ra những chảo mật đặc sánh, ngọt thơm phục vụ người dân ăn Tết.

Giữa tháng Chạp, không khí Tết dần trở nên nhộn nhịp. Người dân miền núi xã Thọ Điền (Vũ Quang, Hà Tĩnh) cũng tất bật với những chảo mật mía ngọt thơm để phục vụ thực khách gần xa.

Là địa phương hiếm hoi ở Hà Tĩnh còn giữ được nghề ép mía nấu mật, hiện toàn xã Thọ Điền có 260 hộ tham gia trồng mía, với tổng diện tích khoảng 20ha. Mỗi năm, làng mía Thọ Điền cung cấp ra thị trường khoảng 160 tấn mật thương phẩm, giá bán dao động từ 30.000-40.000 đồng/kg, ước tính doanh thu khoảng trên 5 tỷ đồng.

Chị Hoa (trú tại thôn 5, xã Thọ Điền), gia đình làm nghề ép mía nấu mật khoảng 15 năm nay. Trước đây, việc ép hoàn toàn làm thủ công, dùng trâu làm sức kéo. Gần đây, các hộ gia đình chuyển sang ép mía bằng máy nên sức lao động được giải phóng đáng kể.

Thu phu mat mia do lua ngay dem phuc vu Tet Nguyen dan

Cứ vào dịp Tết hàng năm, những bếp lò nấu mật mía tại xã Thọ Điền lại rực lửa suốt ngày để làm nên những chảo mật đặc sánh, ngọt thơm

Thu phu mat mia do lua ngay dem phuc vu Tet Nguyen dan-Hinh-2

Sau khi đun sôi và vớt hết bọt đất, nước mía được đưa vào thùng lắng. Khoảng 2-4 tiếng sau khi cặn lắng xuống thì lọc rồi xả vào chảo để nấu thành mật

Thu phu mat mia do lua ngay dem phuc vu Tet Nguyen dan-Hinh-3

Thời gian nấu một chảo nước mía thành mật đặc sánh, ngọt thơm mất 4 tiếng đồng hồ

Nhà chị Hoa trồng 4 sào mía, bình quân mỗi năm thu được 1,6 tấn mật thương phẩm, tương đương gần 50 triệu đồng. Sẵn máy của nhà, thời gian rỗi, chị còn ép thuê cho hàng xóm để kiếm thêm thu nhập. Ngoài thời gian ra đồng thu hoạch mía, 3 bếp lò của chị luôn rực lửa.

Về quy trình nấu mật, chị Hoa chia sẻ, sau khi ép mía xong thì cho nước vào chảo để nấu. Quá trình này phải túc trực thường xuyên để vớt hết bọt đất đổ đi. Khi nước mía sôi, cho vào thùng lắng cặn, khoảng 2-4 tiếng sau khi cặn lắng xuống thì xả lại chảo thông qua lớp lọc rồi nấu thành mật.

Thời gian nấu một chảo mật mất 4 tiếng đồng hồ.

Anh Bùi Đình Quyết (SN 1982), một trong những hộ trồng mía nhiều nhất thôn 5, xã Thọ Điền, cho hay, gia đình anh trồng 6 sào cho sản lượng 2,8 tấn mật mía. Cùng với việc ép thuê cho người dân khoảng 300 chảo mật, bình quân mỗi vụ gia đình anh thu về trên 100 triệu đồng.

Thu phu mat mia do lua ngay dem phuc vu Tet Nguyen dan-Hinh-4

Mật mía Thọ Điền đặc quánh, thơm ngon, đảm bảo vệ sinh nên được nhiều bà nội trợ ưa chuộng

Theo anh Quyết, mía được trồng vào đầu năm và thu hoạch từ tháng 11 âm lịch nên thời gian chăm sóc không nhiều, chỉ cuốc vài lứa cỏ. Khi mía cao bằng đầu người thì bón phân chuồng rồi vun gốc là xong, thời gian rảnh rỗi có thể đi làm việc khác. Giống mía Rốc 10 cho nhiều mật, màu sáng, chất lượng tốt nên so với trồng ngô, sắn thì trồng mía kinh tế hơn nhiều, lại thu hoạch vào cuối năm nên có tiền để mua sắm Tết.

Ngoài những hộ dân trồng đơn lẻ, đơn vị trồng mía chủ lực tại đây là Hợp tác xã Dịch vụ mật mía Sơn Thọ. Toàn hợp tác xã có 12 thành viên, với tổng diện tích khoảng 8ha mía, bình quân mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 55 tấn mật thương phẩm, doanh thu khoảng trên 1,6 tỷ đồng.

Ngoài việc ép mía, nấu mật cho các thành viên, Hợp tác xã Dịch vụ mật mía Sơn Thọ còn ép và nấu dịch vụ giúp người dân trên trên địa bàn, với hơn 1.000 chảo mật, đem lại nguồn thu khá.

Thu phu mat mia do lua ngay dem phuc vu Tet Nguyen dan-Hinh-5

Tổng diện tích mía tại xã Thọ Điền vào khoảng 20ha, mỗi năm, cung cấp ra thị trường 160 tấn mật thương phẩm

Trao đổi với PV. VietNamNet, bà Đoàn Thị Nhàn, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ mật mía Sơn Thọ, thông tin, mặc dù vào cuối vụ nhưng các thành viên của hợp tác xã vẫn làm việc hết công suất, khu vực bếp lò gần như đỏ lửa từ sáng đến đêm. Bình quân mỗi ngày, hợp tác xã ép được 4-5 tấn mía tươi, thu về khoảng 400 lít mật thương phẩm.

Theo bà Nhàn, mật mía Sơn Thọ đặc quánh, ngọt thơm lại được sản xuất đảm bảo vệ sinh nên nhiều người yêu thích. Sản phẩm làm ra đến đâu được khách hàng và thương lái đặt mua hết đến đó.

Ngày nay, tuy người dân có thói quen sử dụng đường để chế biến món ăn, nhưng mật mía vẫn là một thức vị quan trọng mỗi khi Tết đến xuân về. Để có những bát chè (chè nếp, chè kê,... ) đặt lên ban thờ cúng Giao thừa, nguyên liệu không thể thiếu là mật mía. 

Theo Trần Hoàn/Vietnamnet