Theo đó, quy định mới của Zalo sẽ không cho phép người lạ xem hoặc bình luận trên nhật ký của người dùng. Mỗi tài khoản Zalo giờ đây có 40 lần hiển thị/tháng khi người lạ tìm kiếm qua số điện thoại. Bên cạnh đó, mỗi tài khoản chỉ được phản hồi 40 hội thoại/tháng từ người lạ.
Các thay đổi quan trọng khác trên Zalo còn bao gồm danh bạ người dùng chỉ có tối đa 1000 liên hệ, tài khoản thường sẽ không còn sử dụng được user name. Ngoài ra, mỗi tài khoản được mặc định có 5 tin nhắn nhanh. Nếu muốn thêm tin nhắn nhanh mới, người dùng cần xóa bớt những tin nhắn nhanh cũ.
Zalo chính thức áp dụng thu phí với người dùng?
Theo một số thông tin, để có thể sử dụng không giới hạn như trước kia, người dùng sẽ phải chuyển sang gói Zalo OA (Zalo Official Account) doanh nghiệp. Điểm khác biệt của gói này so với các tài khoản truyền thống là người dùng sẽ phải trả phí.
Theo đó, Zalo OA doanh nghiệp bắt đầu thu phí kể từ ngày 22/6/2022. Người dùng sẽ có 3 gói tùy chọn trả phí gồm dùng thử (10.000 đồng/45 ngày), nâng cao (59.000 đồng/tháng) và premium (399.000 đồng/tháng). Theo đó, gói dùng thử chỉ có thể mua duy nhất 01 lần, không thể gia hạn.
|
Zalo OA đã được áp dụng từ 22/6/2022 cho đối tượng doanh nghiệp |
Một số thông tin khác, thì cho biết Zalo sẽ triển khai 3 gói thuê bao tháng cho người dùng tại Việt Nam, song song với đó vẫn phát hành một phiên bản miễn phí nhưng bị giới hạn về mặt tính năng. Người dùng cần phải mua 1 trong 3 gói trả phí gồm Standard (2.800 đồng/ngày), Pro (5.500 đồng/ngày) và Elite (55.000 đồng/ngày).
|
Zalo có thể thu phí theo ngày với người dùng phổ thông? |
Theo khảo sát của Decision Lab trong quý 4/2021, Zalo tiếp tục ở vị trí số 1, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Việt. Khi được hỏi về việc dùng ứng dụng nào để liên lạc với người thân, 48% số người được hỏi đều cho biết họ sử dụng Zalo. Trong khi đó, con số này của Facebook và Messenger lần lượt là 27% và 20%.
Đồng thời, với việc mỗi tài khoản Zalo gắn liền với một số điện thoại, dẫn đến việc loại trừ phần lớn những người dùng “ảo”. Tíng trong năm 2021, Zalo đã vượt qua mốc 70 triệu người dùng thường xuyên, hiện tại, số lượng người dùng có thể đã vượt lên trên con số đó.
Doanh thu nghìn tỷ đến từ thu phí?
Trường hợp áp dụng gói tính phí Zalo OA với người dùng phổ thông (với mốc 70 triệu người dùng), thì số tiền Zalo thu về sẽ là 700 tỷ đồng cho gói dùng thử 10.000 đồng cho 45 ngày. Và sau khi hết 45 ngày dùng thử, người dùng buộc phải mua các gói cao hơn là 59.000 đồng/tháng và 399.000 đồng/tháng.
Nếu áp dụng ưu đãi khi mua cả năm (12 tháng), người dùng sẽ được giảm giá 20%, từ 59.000 đồng/tháng xuống còn 47.000 đồng/tháng và chỉ còn 320.000 đồng/tháng đối với gói 399.000 đồng.
Nếu con số 70 triệu người dùng không giảm, và tất cả đồng ý mua các gói này thì trung bình mỗi năm doanh thu của Zalo sẽ giao động từ 39.480 tỷ đồng đến 335.160 tỷ đồng.
Con số trên sẽ còn lớn hơn nhiều trong trường hợp Zalo áp dụng cách tính phí Standard (2.800 đồng/ngày), Pro (5.500 đồng/ngày) và Elite (55.000 đồng/ngày). Do giá trị thanh toán tính theo ngày, nên doanh thu của Zalo có thể lên đến từ 71.540 tỷ đồng đến 1.405.250 tỷ đồng/năm.
Dĩ nhiên, các con số trên chỉ mang tính ước lượng, bởi có thể số lượng người dùng sẽ sụt giảm nhanh chóng khi Zalo tiến hành bắt buộc thu phí người dùng. Bên cạnh đó, việc “lọc” ra các tài khoản ảo cũng sẽ khiến con số này sụt giảm. Tuy nhiên, có thể khẳng định số tiền mà Zalo thu được khi tiến hành thu phí sẽ không hề nhỏ.
Theo một số người, Zalo chỉ nên tính phí với các tài khoản doanh nghiệp hay hoạt động kinh doanh, mua bán trên ứng dụng này. Nước đi này của Zalo có thể khiến ứng dụng này mất đi lượng lớn người dùng, bởi còn không ít các ứng dụng khác tương tự như Zalo vẫn đang miễn phí. Cũng có thể, sau sự kiện Zalo thu phí sẽ là sự ra đời của các ứng dụng tương tự nhưng hoàn toàn miễn phí.
Minh Châu