Đến thăm mô hình nuôi cá lồng bè trên biển của anh Tạ Thanh Tùng ngụ tại ấp Bãi Ngự, xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang mới cảm nhận được sự năng động, dám nghĩ, dám làm trong góp phần phát triển kinh tế cho xã hội và cho thu nhập cao.
Anh Tạ Thanh Tùng cho biết: Trước đây, gia đình làm nghề thu mua hải sản trên biển.
Đến đầu năm 2017 anh bắt đầu đóng được 4 bè 16 lồng nuôi thả được 20.000 con giống cá mú trân châu với chi phí khoảng 300 triệu đồng.
Sau một năm nuôi loại cá thịt nạc, cá đặc sản này, trừ chi phí, anh Tạ Thanh Tùng còn lợi nhuận 300 triệu đồng.
Từ hiệu quả của việc nuôi cá mú trân châu, anh Tạ Thanh Tùng còn nuôi thêm các loại cá khác như cá bóp, cá mú sao.
Đến nay, anh Tùng có được tất cả 6 bè với 20 lồng nuôi cá đặc sản. Năm 2023 anh thả thêm 20.000 con cá mú trân châu, 700 con cá bớp và 5.000 con cá mú sao giống.
Hằng năm trừ chi phí, gia đình anh Tạ Thanh Tùng có thu nhập 1-2 tỷ đồng từ mô hình nuôi cá đặc sản trên biển.
Theo kinh nghiệm nuôi cá đặc sản của anh Tùng, trong quá trình nuôi cần chú trọng áp dụng kỹ thuật vào chăm sóc cá, chọn giống, vệ sinh lồng lưới, chọn giống cá tốt, khỏe, nguồn gốc rõ ràng.
Người nuôi cá cần hạn chế nước thải sinh hoạt vào lồng cá nuôi; vị trí đặt bè, độ sâu lồng nuôi, thức ăn cá tạp phải tươi và rữa sạch trước khi cho cá ăn.
Nông dân cần cho cá ăn đúng thời gian quy định. Thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng của cá, phát hiện sớm những bệnh thường gặp để có biện pháp phòng trị.
Không chỉ chăm lo làm giàu cho gia đình, anh Tùng còn tạo công việc làm cho 6 công nhân thu nhập gần 70 – 80 triệu đồng/năm để phát triển kinh tế gia đình.
Đồng thời, anh Tùng trao đổi kinh nghiệm và hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá cho các hộ dân trong xã. Hằng năm, gia đình anh được công nhận là hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh rất đáng để bà con học tập và làm theo.
Theo Trần Văn Ngọc/Dân Việt