Trong những năm gần đây, anh Bùi Hoàng Bằng, ở ấp 2, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ mô hình nuôi rắn ri cá. Điều khác lạ là thay vì thả rắn trực tiếp vào bể hoặc ao, mương để nuôi như nhiều nông dân ở ĐBSCL đã thực hiện thì anh Bằng làm vèo lưới để nuôi rắn.
Mô hình nuôi rắn trong vèo của anh vừa đơn giản, tiết kiệm diện tích, chi phí làm chuồng trại, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao nên đang được nông dân trong vùng học hỏi làm theo.
Anh Bùi Hoàng Bằng cho biết, trước khi đến với mô hình nuôi rắn ri cá trong vèo, anh cũng đã từng thử nghiệm nuôi thủy sản nhưng thấy hiệu quả mang lại không cao và không có thời gian chăm sóc. Về sau thấy bà con ở nông thôn đặt lờ, đặt lọp, lú bắt được nhiều rắn ri cá nhỏ, anh liền nảy sinh ý tưởng mua về nuôi vì nhận thấy loại rắn này trong tự nhiên ngày càng ít và rắn thương phẩm được thương lái thu mua khá cao.
Thời gian đầu anh Bằng nuôi thử rắn ri cá trong bể xi măng nhưng không thành công. Sau nghiên cứu thấy rắn thích hợp với môi trường nước tự nhiên, có cây cỏ nên anh may vèo lưới giăng ở ao nước rộng khoảng 200 mét vuông sau nhà, bên trong để lục bình, rau ngổ, dây ni lông đen, chà tre rồi thả rắn vào nuôi. Từ một vèo nuôi rắn có diện tích 6m2 anh dần dần phát triển lên đến 18 vèo nuôi, với tổng đàn rắn đến nay hơn 1.200 con.
|
Khu nuôi rắn ra cá trong vèo của anh Bùi Hoàng Bằng
|
Theo anh Bằng, chi phí để thả nuôi 1 vèo rắn 6m2 với 100 con rắn khoảng hơn 1 triệu đồng, gồm: Tiền con giống và vèo lưới. Còn phần thức ăn là các loại cá tạp có thể tự tìm kiếm hoặc mua của người dân đánh bắt trong tự nhiên với giá khoảng 6 triệu đồng trong một năm thả nuôi rắn. Rắn ri cá rất dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, mỗi tuần chỉ cho ăn khoảng 3 lần. Nếu nuôi trong môi trường nước tốt và dinh dưỡng đầy đủ thì sau 1 năm rưỡi rắn đạt trọng lượng hơn 1 kg/con.
“Tận dụng những cái có sẵn ở địa phương tôi làm vèo, dụng cụ nuôi rắn ri để phù hợp với tự nhiên hơn. Còn về điều kiện cho ăn và chăm sóc rắn thì tùy theo rắn nhỏ tôi sẽ cho ăn con mồi nhỏ nhưng cá lòng tong, cá sặc, cá rằm, cá rô; Khi rắn lớn lên thì tôi cho ăn theo trọng lượng con rắn, cho ăn khoảng tầm 10% trọng lượng con rắn hoặc đếm khoảng 100 con rắn thì mình thả 120 con mồi”.
Hiện nay giá rắn ri cá dao động từ 380.000 - 420.000 đồng/kg. Ngoài nuôi rắn thương phẩm, anh Bằng còn nghiên cứu tìm cách cho rắn sinh sản để bán rắn giống. Anh Bằng cho biết, rắn sau khi nuôi được khoảng 12 tháng sẽ mang trứng và đẻ. Một năm rắn đẻ con 1 lần. Trung bình một con rắn cái mỗi năm sẽ sinh sản một lứa từ 10 - 30 con.
|
Sau một năm rưỡi nuôi rắn sẽ có trọng lượng hơn 1kg/con
|
Anh Bùi Hoàng Bằng cho biết: "Nuôi rắn sinh sản muốn rắn con khỏe, tốt, chất lượng thì nên chọn rắn từ tầm 1kg trở lên. Khi con rắn bự thì đẻ con nó bự thì chất lượng rắn cao hơn. Con rắn đến thời điểm giao phối tôi chỉ cầnbỏ rắn cái và rắn đực 50/50 hoặc là 1 con đực 2 con cái. Khi mà nó lên mỡ nuôi trứng thì lúc đó mình phải tăng lượng thức ăn gấp đôi, gấp 3".
Hiện nay với 600 con rắn bố mẹ, mỗi năm anh Bằng cung ứng hàng ngàn con giống cho người nuôi trong vùng. Trong 5 năm gần đây, tổng thu nhập của anh Bằng từ bán rắn giống và rắn thương phẩm mỗi năm hơn 400 triệu đồng. Hiện mô hình của anh được nhiều nông dân trong vùng tìm hiểu, làm theo.
Ông Nguyễn Thế Tự - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp cho biết: "Hiện nay mô hình nuôi rắn ri cá rất phát triển. ngoài xã Thạnh Hòa thì những xã lân cận bà con cũng tiếp tục nhân mô hình này. Vì rắn ri cá dễ nuôi, tăng trọng nhanh trong điều kiện hiện nay. Cái thứ hai là giá đầu ra rắn loại 1 lên tới trên 350.000 đồng/kg. Mô hình này mang hiệu quả kinh tế tương đối cao, không tốn đất đâi, vốn cũng không lớn nên bà con thuận lợi trong phát triển mô hình”.
Mô hình nuôi rắn ri cá trong vèo của anh Bùi Hoàng Bằng dễ thực hiện, chỉ cần diện tích nhỏ, chi phí thấp lại cho lợi nhuận cao. Chính vì thế đây thật sự là mô hình phù hợp với nông hộ ít đất sản xuất ở nông thôn. Mô hình nuôi rắn ri cá trong vèo của anh Bằng đã đạt giải 3 tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hậu giang năm 2017.
Theo Tấn Phong/VOV