Ở Việt Nam, cỏ tế (cỏ guột cứng, cây guột) là loài cây dại mọc ở khắp nơi. Điểm nhận biết đặc trưng của chúng là phần lá mọc so le vươn dài, hẹp dần về phía đầu lá thành mũi nhọn. Chúng được coi là “khắc tinh” của người nông dân khi có khả năng sinh trưởng quá mạnh mẽ. Chúng sẽ hút hết chất dinh dưỡng của cây trồng, khiến các loại cây khác chậm phát triển.
Dù không có lợi cho người nông dân song giống cây này lại được sử dụng nhiều để lợp mái nhà và làm hàng thủ công mỹ nghệ có giá trị cao. Từ những vật dụng quen thuộc thường ngày như rổ, rá, túi, mũ, giỏ cho đến đồ nội thất như bàn ghế, tủ, giường… đều có thể được chế tác từ cây guột. Ở Việt Nam thậm chí còn có làng nghề đan cỏ tế Lưu Thượng với lịch sử hơn 400 năm.
(Ảnh chụp màn hình)
Thành phẩm mang lại giá trị sử dụng thiết thực, độ bền cũng như tính thẩm mỹ đều cao. Nhiều mặt hàng thủ công làm từ guột được xuất khẩu ra nước ngoài với mức giá từ vài trăm nghìn đồng cho đến cả triệu đồng.
Cây guột phân bố chủ yếu ở các khu vực miền núi phía Bắc và một số tỉnh miền Trung từ Quảng Bình trở ra, tại những nơi có khí hậu ẩm ướt và mùa đông lạnh. Ở nước láng giềng Trung Quốc, giống cây dại này cũng mọc hoang ở khắp các vùng đồng bằng lẫn vùng núi. Nông dân Trung Quốc chủ yếu dùng cây guột khô để đốt lửa sưởi ấm hoặc dùng để đun bếp thay cho củi khô.
Tuy nhiên, loài cây này cũng đã bắt đầu có giá trị kinh tế trên các trang thương mại điện tử ở đất nước tỷ dân. Một cây guột có thể bán với giá 6 NDT (gần 20.000đ). Những người dân ở thành thị Trung Quốc coi chúng như cây cảnh để trang trí nhà cửa, hoặc làm cây thủy sinh để trang trí bể cá, trang trí hòn non bộ trong công viên. Họ chuộng loại cây này vì chúng thường ít rụng lá, sạch sẽ lại tạo tính thẩm mỹ cho không gian.
* Tiêu đề bài viết đã được biên tập lại
Theo Hương Nguyễn/Người Đưa Tin