Sự việc diễn ra trong bối cảnh các máy của nhà sản xuất Mỹ liên tục gặp sự cố, nổi bật nhất là chiếc 737 Max-9 của Alaska Airlines bị rơi tấm bịt cửa trên không ngày 5/1.
Boeing bị kiện bởi các cổ đông cáo buộc doanh nghiệp ưu tiên lợi nhuận hơn an toàn. Trong khi đó, nhà sản xuất cam kết với các cổ đông sẽ không tái phạm điều này sau 2 vụ tai nạn vào tháng 10/2018 và tháng 3/2019 do 2 máy bay 737 Max khác gặp sự cố, khiến 346 người thiệt mạng. Đứng đầu vụ kiện tập thể là Thống đốc Ngân hàng bang Rhode Island, Mỹ.
“Vụ kiện này có thể tạo ra những thay đổi trong hoạt động của Boeing nhằm bảo vệ hành khách và đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp trong tương lai”, ngài thống đốc ngân hàng tuyên bố. Hiện tại, người phát ngôn của Boeing từ chối bình luận về vụ kiện.
|
Khâu sản xuất máy bay của Boeing bị nghi ngờ có chất lượng thấp.
|
Những cá nhân bị đề cập trong đơn kiện bao gồm Giám đốc điều hành Boeing Dave Calhoun và người tiền nhiệm Dennis Muilenburg, Giám đốc tài chính Brian West và người tiền nhiệm Gregory Smith.
Ngoài ra, Boeing còn bị cáo buộc che giấu việc kiểm soát chất lượng kém trên dây chuyền lắp ráp, khiến giá cổ phiếu của hãng được thổi phồng. Một ngày sau khi Cục Hàng không liên bang Mỹ tuyên bố cấm Boeing mở rộng sản xuất loại máy bay 737 Max vì lo ngại về an toàn, giá cổ phiếu của Boeing giảm 18,9%. Điều đó khiến doanh nghiệp này "bốc hơi" 28 tỷ USD.
Ngày 5/1, một phần thân máy bay Boeing 737 Max-9 của Alaska Airlines trên chuyến đi nội địa nước Mỹ bị "xé toạc" sau khi tấm bịt cửa bị văng ra ngoài. Sự cố khiến một số hành khách bị thương nhẹ, khiến họ cũng đâm đơn kiện Boeing và hãng hàng không.
Cho đến nay, hoạt động kinh doanh của Boeing đứng trước nhiều thách thức. Ngày 31/1, nhà sản xuất thông báo không thể công bố mục tiêu tài chính cho cả năm 2024.
Theo Trần Đình / Tiền Phong