Hơn 10 giờ sáng, sạp thịt lợn của chị Đào tại ngõ chợ Khâm Thiên vẫn gần như còn nguyên. “Em ơi mua gì cho chị không?” - Tay cầm chiếc que dài chừng 1 mét có gắn chiếc túi nilon ở đầu để đuổi ruồi, thấy ai đi qua chị cũng hỏi, câu hỏi lặp lại giống hệt nhau.
Chị cho biết, những ngày nắng nóng như đổ lửa, thịt lấy về không bán nhanh thì sẽ hư, hỏng mà đứng suốt 4 tiếng từ 6 giờ sáng đến hơn 10 giờ vẫn chưa hết một nửa hàng để về. Giá lợn móc hàm tăng hơn 10 giá chỉ trong 2 ngày, trong khi khách thì ngày một thưa thớt. Vì vậy, chị tính ngày mai sẽ nghỉ chợ.
Thịt lợn tăng giá nhưng cả người bán và người mua đều không có lợi.
“Mọi khi hai vợ chồng chạy từ Mê Linh qua đây bán thịt, buổi sáng bán đến 10 giờ là hết veo con lợn nhưng giờ có nửa con mà giờ vẫn còn từng đây này. Không đi chợ thì mất khách mà đi chợ thì có khi vừa mất công vừa móc tiền túi ra bù lỗ”, chị Đào chỉ về phía sạp thịt phân trần.
Theo chị Đào, giá thịt lợn móc hàm chỉ trong mấy ngày đã tăng từ 75 nghìn đồng lên 88 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, giá ba chỉ chị bán tăng từ 130 lên 140 nghìn đồng/kg thì ai cũng chê đắt, lắc đầu không mua.
“Cả con lợn, có mỗi ba chỉ là bán được giá thế thôi. Còn như móng giò là 70 nghìn đồng/kg; xương ống, mỡ chỉ được 60 nghìn đồng/kg; thịt vai sấn, mông sấn là 115 nghìn đồng/kg… Lấy cái này bù cái kia, trừ đi trừ lại mấy hôm nay vừa ế vừa lỗ”, chị Đào thở dài.
Giá nhập tăng, nhiều tiểu thương phải bán cầm chừng để giữ khách hoặc nghỉ chợ.
Chỉ sang 2 hàng thịt bên cạnh với chiếc bàn trống không, chị Đào cho biết họ đã nghỉ được 2 buổi chợ vì giá nhập quá cao, chợ lại ế, đi chợ vừa mệt vừa lỗ nên họ nghỉ cho khoẻ.
“Giá lợn đang tăng nhưng mấy lò mổ chỗ tôi còn không bắt được lợn mà mổ vì giá thức ăn chăn nuôi tăng gấp đôi mà cả năm giá lợn hơi chỉ từ 45-55 nghìn đồng/kg nên họ lỗ, họ không nuôi nên giờ không có lợn bắt. Lò mổ không có lợn mổ mà chúg tôi lấy về bán cũng không có khách. Mệt lắm”, chị Đào lắc đầu.
Thịt lợn quế tại siêu thị có giá trên 200 nghìn đồng/kg.
Vừa nhúng con gà vào nồi nước sôi sùng sục, cạnh chiếc bu gà với khoảng chục con gà ri lai, chị Ánh, tiểu thương bán thịt gà tại chợ Kim Liên cho biết, giá gà nhập vào gấp đôi năm trước nên giá bán cũng phải tăng theo.
“Giá gà ri lai năm ngoái tôi bắt có 65 nghìn đồng/kg, bán ra là 80-90 nghìn đồng/kg. Năm nay nhập vào đã 100-110 nghìn đồng/kg, bán ra 130 nghìn đồng/kg mà khách kêu như vạc, lắc đầu không mua. Cứ bảo lãi này lãi nọ nhưng mình mua gà về nhốt, hao hụt đủ thứ, lại còn mổ sẵn sạch sẽ cho khách nữa. Tính ra buổi chợ được vài đồng mà vất vả lắm”, chị Ánh chia sẻ.
Theo chị Ánh, trước đây giá gà nhập vào thấp, khách ăn nhiều nên mỗi ngày nhà chị bán từ 50-60 con gà là bình thường. Ngày lễ, Tết phải lên đến vài trăm con. Tuy nhiên, từ ra Tết đến nay, giá gà tăng chóng mặt nhưng hàng hoá ế ẩm, mỗi ngày chỉ được 15-20 con gà.
Dạo quanh các khu chợ trong khu vực nội thành Hà Nội có thể dễ nhận thấy giá thịt lợn và thịt gà đang neo ở mức cao, tăng 10-14 nghìn đồng so với tuần trước
Cụ thể, thịt lợn ba chỉ, sườn non có giá từ 130-145 nghìn đồng/kg; nạc vai, chân giò có giá từ 130-140 nghìn đồng/kg; thịt vai, mông sấn có giá từ 120-130 nghìn đồng/kg…
Giá cả hàng hoá tăng chóng mặt, siêu thị cũng vắng khách mua.
Tại các siêu thị, giá thịt lợn cũng dao động ở mức từ 99.000 đồng đến 190 nghìn đồng/kg. Cụ thể, thịt xay là 99,9 nghìn đồng/kg; thịt vai, thịt đùi từ 110-130 nghìn đồng/kg; chân giò cuộn rút xương từ 130-145 nghìn đồng/kg; ba chỉ từ 169-189 nghìn đồng/kg…
Đối với thịt gà cũng ghi nhận mức giá từ 120-140 nghìn đồng/kg gà ri lai; giá gà ta ở mức 150-160 nghìn đồng/kg; gà công nghiệp từ 80-90 nghìn đồng/kg…
Theo Hồng Cảnh/Dân Việt