Trong khi giá thịt ba rọi của heo thông thường tại các chợ truyền thống dao động từ 130.000 đến 136.000 đồng/kg, nhiều chủ tài khoản Facebook, Zalo lại rao bán thịt ba rọi heo rừng trên mạng xã hội với giá rẻ hơn rất nhiều.
|
Một mẫu quảng cáo rao bán thịt heo rừng trên “chợ mạng”. Ảnh chụp màn hình. |
Thịt heo rừng rẻ hơn thịt heo thường
Tài khoản Facebook L.H rao bán thịt ba rọi heo rừng giá 120.000 đồng/kg và chào mời rằng, nếu khách lấy số lượng nhiều, giá sẽ rẻ hơn. Theo chủ tài khoản này, từ năm ngoái đến nay, bình quân mỗi tháng, cửa hàng bán cho khách lẻ 15 đến 25 kg thịt heo rừng. Thời gian gần đây, do nhu cầu của khách hàng tăng mạnh, cửa hàng bán ra thị trường gần 100 kg/tháng.
Giá thịt ba rọi heo rừng mà chủ tài khoản L.H rao bán vẫn còn khá cao so với không ít “địa chỉ” khác trên mạng. Trên nhiều tài khoản Facebook, Zalo chuyên cung cấp thực phẩm, từng khối thịt ba rọi có da vàng ươm hấp dẫn được quảng cáo là “thịt heo rừng lai ở Đắk Lắk, chăn thả tự nhiên, chủ yếu ăn rau xanh, các loại ngũ cốc, không sử dụng thức ăn công nghiệp...” được rao bán với giá 100.000 đồng/kg. Đặc biệt, mức giá này giảm xuống còn 95.000 đồng/kg nếu khách hàng mua từ 5 kg trở lên.
Giá thành hấp dẫn đi kèm những hình ảnh bắt mắt, lời quảng cáo hấp dẫn về loại thịt heo rừng nuôi thả, thịt chắc, da giòn, thu hút không ít người đặt mua. Nhiều người thậm chí còn nghĩ đã mua được giá “hời”.
|
Miếng thịt heo rừng “đúng chuẩn”. Nguồn: IT. |
Không thể có thịt heo rừng giá “rẻ như bèo”
Những người nuôi heo rừng lâu năm ở tỉnh Đắk Lắk khẳng định, giá heo rừng lai hơi đang được bán ở mức 150.000 - 170.000 đồng/kg nên giá thịt qua giết mổ phải ở mức từ 250.000 đồng/kg trở lên. Riêng thịt ba rọi, giá luôn cao hơn từ 40.000 - 50.000 đồng/kg. Vì vậy, heo rừng lai nếu bán ra với mức giá nói trên, người chăn nuôi lỗ vốn.
Một số chủ trang trại nuôi heo rừng ở tỉnh Bình Phước cũng cho hay, để có được thịt heo rừng giá rẻ như thế, thương lái thường chọn mua những con heo nái già hết khả năng sinh đẻ, rồi mang về nhốt một thời gian cho tiêu bớt lớp mỡ. Sau đó, để nguyên con giết thịt, dùng đèn khò thui lớp da bên ngoài cho có màu vàng, tiếp đến dùng kim bắn lông 3 chấu cho giống thịt heo rừng thật rồi đưa ra thị trường tiêu thụ. Với cách làm trên, mỗi ngày thương lái có thể kiếm được tiền triệu từ việc bán thịt heo rừng rởm.
Người tiêu dùng mua phải thịt heo rừng rởm sẽ đối mặt nguy cơ tiềm ẩn gây hại sức khỏe. Do quá trình bảo quản, giết mổ không đảm bảo vệ sinh, những loại thịt heo rừng không rõ nguồn gốc này có tỷ lệ nhiễm bệnh cao như bệnh giun sán, vi khuẩn tiêu chảy…
Nhiều heo bệnh bị chết hoặc đã bốc mùi hôi thối vẫn được cơ sở kinh doanh “phù phép”, tẩm ướp hóa chất thành heo rừng đặc sản. Chính vì vậy, người tiêu dùng nên biết cách chọn thịt heo rừng thật, giả để tránh “tiền mất tật mang”.
Cách chọn thịt heo rừng thật
Đặc điểm dễ nhận biết của thịt heo rừng thật là có da và lớp lông dày, mõm dài cứng để đào đất (khác với heo nhà vì heo rừng phải tự tìm thức ăn).
Ngoài ra, heo rừng có bụng thon, chân cao, nếu nuôi lâu còn có cặp nanh hàm dưới dài, chìa ra khỏi mồm, cong lên phía mắt. Đây là vũ khí lợi hại của heo rừng để chống lại kẻ thù và cũng là điểm khác biệt lớn so với heo nhà. Heo rừng có tai bé hơn heo nuôi, các lỗ chân lông khá sát, hốc mắt to, chân to chắc.
Đặc điểm tiếp theo là các lỗ chân lông khá sát nhau. Da khá dày và cứng, giòn, không dai. Lớp thịt nạc gần như dính liền với da vì lớp mỡ ở giữa rất ít. Da heo rừng thật hơi sần sùi, thô ráp và không bóng, trơn láng như da của heo nhà nuôi hoặc heo lai.
Về màu sắc, lông trên da heo rừng có màu sắc xám đen nhạt, không có màu hồng như thịt heo nuôi lấy thịt và trước khi chế biến có mùi hôi đặc trưng. Đặc trưng là bì dày nhưng giòn, không nhão, lớp mỡ ít hoặc hầu như không có. Heo rừng chuẩn được nuôi thả rông. Người dân chỉ cho ăn rau, ngô, khoai, sắn… buổi sáng, còn ban ngày, chúng tự tìm kiếm thức ăn trên đồi.
Vì đặc điểm này, thịt heo rừng rất ngon và thơm so với thịt heo nuôi, nấu kiểu gì cũng rất ngọt. Bì thịt heo rừng phải nấu trong vòng 15 đến 25 phút mới đủ giòn và ăn được.
Hiện nay, một số cơ sở dùng thịt heo sề để làm giả bằng cách bắn thêm lông hoặc cũng có một số nơi bán pha lẫn thịt heo rừng và thịt heo lửng (lai giữa heo rừng và heo nhà). Loại thịt heo lửng này có 3 lông chụm lại, nhưng thịt mềm và bì nhão. Vì vậy, ngoài những cách chọn thịt heo rừng chuẩn trên, người mua nên bứt thử lỗ chân lông xem lông là thật hay giả.
Bên cạnh đó, để tránh mua phải thịt heo rừng giả, người tiêu dùng nên chọn mua thịt heo rừng tại những cơ sở uy tín, đáng tin cậy, có giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh và nắm được nguồn gốc xuất xứ của heo rừng.
Thiên Bảo