Không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường chứng khoán quốc tế, thị trường trong nước đã có phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 20/10 khá ảm đạm. Sau khoảng nửa đầu phiên rung lắc nhẹ, áp lực bán dần lan rộng đã đẩy VN-Index lùi sâu dưới mốc tham chiếu và tiếp tục ghi nhận phiên giảm hơn 10 điểm, tiếp tục xuyên thủng mốc 1.080 điểm. Dường như tâm lý nhiều nhà đầu tư đã buông xuôi và dự cảm thị trường sẽ khó thoát thêm một phiên giảm điểm mạnh.
Bước vào phiên giao dịch chiều, tâm lý thăm dò của bên mua và bán khiến thị trường vẫn chìm trong sắc đỏ. Tuy nhiên, đà giảm đã dần thu hẹp khi các mã bluechip có những tín hiệu lạc quan hơn.
Nếu khoảng thời gian 14h trong những phiên gần đây trở thành nỗi ám ảnh cho nhà đầu tư khi các lệnh bán ồ ạt được tung ra khiến VN-Index lao dốc mạnh, thì trong phiên hôm nay đã trở thành điểm kích hoạt giúp thị trường tăng vọt.
Chỉ số VN-Index đã hồi phục hơn 30 điểm trong phiên chiều và đóng cửa phiên cuối tuần ở mức giá cao nhất ngày, tiến sát mốc 1.110 điểm. Tuy nhiên, niềm vui chưa trọn vẹn khi thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp với tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE chỉ đạt hơn 14.000 tỷ đồng.
Đóng cửa, sàn HOSE có 389 mã tăng và 122 mã giảm, VN-Index tăng 20,18 điểm (+1,86%) lên 1.108,03 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 658,2 triệu đơn vị, giá trị 14.170,78 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,4% về khối lượng và 3,34% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 65,67 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.779 tỷ đồng.
Trong nhóm VM30 chỉ còn duy nhất SSB điều chỉnh nhẹ, còn lại đều khởi sắc với sự dẫn đầu là VHM tăng hơn 4,7%, đã đóng góp hơn 2,2 điểm cho chỉ số chung.
Xét về nhóm ngành, tất cả các nhóm đều hồi phục sắc xanh. Trong đó, nhóm cùng nhịp thị trường là chứng khoán đã có pha “quay xe” ngoạn mục.
Nếu trong phiên sáng chỉ có HCM và VDS giữ được sắc xanh, thì sang phiên chiều tất cả đồng loạt “bốc đầu”. Trong đó, nhiều mã đã kéo trần thành công như HCM, VCI, ORS, FTS, CTS, BSI; các mã còn lại chủ yếu tăng trên 3-4%.
Đồng thời, đây cũng là nhóm giao dịch sôi động nhất trên thị trường với bộ 3 mã gồm SSI, VIX và VND tiếp tục dẫn đầu. Cụ thể, SSI khớp lệnh đạt gần 28,2 triệu đơn vị, còn VIX và VND cùng đạt khối lượng khớp lệnh hơn 27 triệu đơn vị.
Ở nhóm bất động sản, bên cạnh sự đóng góp lớn của VHM cho thị trường chung và VIC đã đảo chiều hồi phục tăng nhẹ, nhiều mã nóng cũng đã trở lại đường đua với NLG, CII, OGC, DXG, LCG, DIG… đã kéo trần thành công; NVL tăng 4,5%, VCG tăng sát trần với biên độ 6,7%, PDR tăng 4,2%... Trong đó, DIG, NVL, DXG đều có thanh khoản hơn 10 triệu đơn vị, với DIG dư mua trần 1,72 triệu đơn vị, DXG dư mua trần gần nửa triệu đơn vị.
Nhóm trụ cột ngân hàng cũng được sắc xanh bao phủ, ngoại trừ duy nhất SSB giảm 0,61%. Trong đó, STB tăng tốt nhất dòng bank khi đóng cửa tăng 3,8% lên mức 30.100 đồng/CP, đồng thời cũng là mã có giao dịch sôi động nhất ngành, đạt hơn 18,95 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, thị trường cũng bốc đầu trong nửa cuối phiên nhờ đà tăng mạnh của nhóm HNX30.
Đóng cửa, sàn HNX có 115 mã tăng và 49 mã giảm, HNX-Index tăng 5 điểm (+2,24%) lên 228,45 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 92 triệu đơn vị, giá trị 1.771,86 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,44 triệu đơn vị, giá trị 65,3 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 đóng cửa tăng tới hơn 19 điểm khi chỉ còn 2 mã mất điểm là SLS giảm 9,9% và DXP giảm 0,8%, còn lại có tới 27 mã tăng. Trong đó, CEO đã có pha đảo chiều ngoạn mục và đóng cửa tăng 9,9% lên mức giá trần 20.000 đồng/CP với thanh khoản tăng vọt, đạt 11,38 triệu đơn vị.
Nhiều mã đáng chú ý khác cũng quay xe và đóng cửa tại vùng giá cao như PVS tăng 3,5%, HUT tăng 4,5%, IDC tăng 2,3%, TNG tăng 4,3%, với thanh khoản đạt một đến vài triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, chứng khoán cũng là điểm nóng của sàn HNX. Trong đó, SHS tăng 5,7% lên mức giá cao nhất ngày 16.700 đồng/CP, đồng thời thanh khoản tới hơn 29 triệu đơn vị; MBS tăng 4,5%, APS tăng 4,7%, VIG tăng 5,8%, EVS tăng 5,3%...
Trên UPCoM, thị trường cũng đảo chiều khởi sắc trở lại trong phiên cuối tuần.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,62 điểm (+0,73%) lên 85,62 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 45,13 triệu đơn vị, giá trị 532,36 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 4,91 triệu đơn vị, giá trị 48,31 tỷ đồng.
Các cổ phiếu giao dịch sôi động nhất đều đảo chiều khởi sắc cùng thị trường chung.
Trong đó, BSR tăng 2,5% và khớp gần 6,5 triệu đơn vị, SBS tăng 1,4% và khớp 2,95 triệu đơn vị, C4G tăng 2,6% và khớp 2,16 triệu đơn vị, AAS tăng 2,2% và khớp 1,65 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng khá tốt, trong đó VN30F2311 tăng 22,1 điểm, tương đương +2% lên mức 1.121,1 điểm, khớp hơn 256.010 đơn vị, khối lượng mở 36.410 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh cũng chiếm áp đảo, tuy nhiên, mã dẫn đầu thanh khoản là CVPB2307 khớp hơn 2,37 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 5,1% xuống 370 đồng/cq.