Đổ nghìn tỷ mua doanh nghiệp dược Việt
Theo Business Korea, Tập đoàn Dongwha Pharm của Hàn Quốc vừa ký hợp đồng chi hơn 391 tỷ won (gần 30 triệu USD, khoảng 720 tỷ đồng) để mua 51% cổ phần của Trung Sơn Pharma, một công ty đang điều hành chuỗi nhà thuốc lớn nhất miền Tây. Dự kiến, thương vụ sẽ hoàn tất trong tháng 10 năm nay.
Trung Sơn Pharma hiện sở hữu 140 chuỗi cửa hàng nhà thuốc với doanh thu hơn 1.300 tỷ đồng trong năm 2022. Trung Sơn Pharma có tốc độ tăng trưởng rất lớn, bình quân 46%/năm kể từ năm 2019.
Đây là chuỗi dược phẩm có tốc độ tăng trưởng nhanh và doanh thu trung bình mỗi cửa hàng thuộc Top đầu tại Việt Nam, ngang ngửa Long Châu của FPT và cao hơn hẳn chuỗi nhà thuốc An Khang của ông Nguyễn Đức Tài.
Trong năm 2022, chuỗi 937 cửa hàng thuốc Long Châu của FPT Retail ghi nhận doanh thu gần 9.600 tỷ đồng, tương đương 10,2 tỷ đồng/cửa hàng. Trong khi đó, chuỗi 500 cửa hàng An Khang của Thế Giới Di Động có doanh thu 1.500 tỷ đồng, tương đương 3 tỷ đồng/cửa hàng.
Với việc bắt tay với Dongwha Pharm của Hàn Quốc, Trung Sơn Pharma muốn đẩy chuỗi hàng thuốc lên 460 cửa hàng vào năm 2026 và tấn công vào các thành phố lớn, nơi mà Long Châu, An Khang, Pharmacity... đang dồn lực để chiếm lĩnh thị phần.
Trước đó, tập đoàn SK Group của Hàn Quốc đã rót tiền vào 2 công ty dược Việt Nam. Tỷ lệ chi phối gần 54% tại công ty sản xuất thuốc lớn Imexpharm (IMP) và nắm 14,5% cổ phần của Maroon Bells, công ty mẹ sở hữu chuỗi Pharmacity.
Không chỉ Hàn Quốc, trong nhiều năm gần đây, các tập đoàn đến từ Mỹ và Nhật… cũng tung tiền để mua cổ phần, thâu tóm các doanh nghiệp dược phẩm Việt, từ sản xuất cho đến thương mại.
ASKA Pharmaceutical Co., Ltd của Nhật chi hàng trăm tỷ đồng sở hữu gần 25% vốn của CTCP Dược phẩm Hà Tây - Hataphar (DHT).
Nhiều tập đoàn nước ngoài đổ tiền vào thâu tóm các doanh nghiệp dược Việt Nam.
Hiện, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất dược hàng đầu của Việt Nam đều có cổ đông chiến lược nước ngoài như Dược Hậu Giang (DHG), Domesco (DMC), Traphaco (TRA), Imexpharm (IMP), Pymepharco (PME)… Một số đã tiến đến nắm quyền chi phối trên 51%, thậm chí thâu tóm toàn bộ.
Tại Domesco, ông lớn Abbott của Mỹ đã nắm gần 51,7%, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chỉ còn nắm giữ hơn 34,7%.
Trong khi đó, Taisho Pharmaceutical (Nhật Bản) nắm chi phối 51% cổ phần tại Dược Hậu Giang.
Vào năm 2020, khi đại dịch Covid bùng nổ, đại gia ngoại Stada Arzneimittel AG (Đức) thâu tóm toàn bộ cổ phần Pymepharco và sau đó huỷ niêm yết cổ phiếu PME vào năm 2021.
PME là tiền thân là Công ty Dược và Vật tư y tế Phú Yên, thành lập cách đây hơn 30 năm. Đây cũng là một trong những nhà sản xuất dược phẩm hàng đầu Việt Nam và khu vực với hệ thống nhà máy sản xuất dược phẩm đạt tiêu chuẩn EU-GMP. Trong ngành dược, doanh nghiệp này có quy mô vốn hóa lớn thứ 2 trên sàn chứng khoán, sau Dược Hậu Giang (DHG).
Cuối 2017 khi PME lên sàn, hãng dược phẩm Đức Stada sở hữu 49% cổ phần, ông Trương Viết Vũ sở hữu 13,2%, có gần 700 tỷ đồng (khoảng 30 triệu USD), là một trong những người siêu giàu tại Việt Nam.
Tương tự, các nhà đầu tư nước ngoài nắm hơn 40% cổ phần tại Traphaco.
Thị trường dược phẩm màu mỡ
Với động thái mới nhất, Tập đoàn Dongwha của Hàn Quốc không giấu giếm ý định thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam với nhiều sản phẩm do hãng phân phối trong bối cảnh nhu cầu gia tăng về các loại vitamin, hồng sâm và sản phẩm chăm sóc sắc đẹp của Hàn Quốc.
Tờ Kedglobal trích nguồn tin từ Dongwha cho biết, thương vụ thâu tóm Trung Sơn là một bước tiến lớn trong chiến lược mở rộng thị trường thuốc và chăm sóc sắc đẹp tại Đông Nam Á. Bên cạnh đó là các thực phẩm bổ sung sức khỏe, thiết bị y tế...
Ngành dược Việt Nam gần đây phát triển mạnh và có tiềm năng tăng trưởng cao trong trung và dài hạn.
Nhiều báo cáo của các công ty chứng khoán cho thấy, tiềm năng ngành này tươi sáng nhờ quy mô dân số lớn và đang trong quá tính già hóa với tốc độ nhanh. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, nhu cầu đối với các sản phẩm y tế, chăm sóc sức khỏe lên cao.
Theo EIU, doanh thu dược phẩm tại Việt Nam năm 2021 đạt 5,9 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ.
Còn theo dự báo của IBM, quy mô ngành dược Việt Nam có thể vượt 16 tỷ USD vào năm 2026 khi xu hướng dân số già hóa, chi phí dành cho chăm sóc sức khỏe gia tăng và tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế cũng như tuổi thọ trung bình tăng lên.
SSI Research cho rằng, ngành bán lẻ dược phẩm đang chuyển đổi sang hình thức thương mại hiện đại. Các chuỗi bán lẻ dược phẩm mở rộng mạng lưới mạnh mẽ trong bối cảnh các bệnh viện công thận trọng hơn trong hoạt động đấu thầu thuốc và gia tăng tiêu dùng đối với các sản phẩm vitamin hay thực phẩm chức năng để củng cố sức khỏe trong bối cảnh "sống chung" với Covid-19.
Thị trường bán lẻ dược phẩm dự báo sẽ nóng hơn với sự xuất hiện của các ông lớn như Digiworld (đứng sau Đại Tín Pharma), Bamboo Capital (với Tipharco) và đại gia nước ngoài mua cổ phần doanh nghiệp Việt.
Theo SSI Research, các chuỗi bán lẻ sẽ đưa tổng chuỗi dược phẩm lên 7.300 cửa hàng vào 2025.
Theo Mạnh Hà/ Vietnamnet