Ở giai đoạn hoàng kim, Tiki từng được xem là một ứng dụng thương mại hàng đầu tại Việt Nam và được kỳ vọng trở thành "kỳ lân" của Việt Nam. Nhưng tình thế đã thay đổi khi những ông lớn khác bắt đầu bước vào thị trường như Lazada (với sự hậu thuẫn của Alibaba), Shopee (có tập đoàn Sea) và Tiktok Shop (với sự chống lưng của gã khổng lồ ByteDance).
Tính đến năm 2018, Tiki có 5 triệu người dùng, 350.000 sản phẩm thuộc 20 ngành hàng như sách, điện tử, đồ gia dụng, làm đẹp, mẹ và bé. Thậm chí, nền tảng này có lúc còn trở thành đối thủ lớn nhất của hai gã khổng lồ thương mại điện tử trong khu vực là Shopee và Lazada.
Theo thống kê của trang iPrice Group, vào năm 2018 Tiki đứng vị trí thứ 2 trong số các trang thương mại đang “làm mưa, làm gió” trên thị trường thương mại điện tử. Tuy nhiên một năm sau đó 2019, Tiki đã mất đi vị trí của mình nhường chân cho các đối thủ và đứng ở vị trí thứ 4 (vào quý 4/2019).
Theo đó sàn thương mại điện tử Tiki là kênh có tỷ lệ truy cập sụt giảm nhiều hơn so với Lazada và Sendo. So với thời điểm vàng năm 2018 thì lượng truy cập của sàn thương mại điện tử Tiki đã giảm 32%.
Thời điểm hiện tại, công ty này đang gặp nhiều khó khăn. Tiki đang tụt lại phía sau so với các sàn thương mại điện tử ngoại là Shopee, Lazada và gần đây nhất là “tân binh” Tiktok Shop dựa trên tiêu chí lưu lượng truy cập cả trên web và thông qua ứng dụng, theo dữ liệu của iPrice Group.
Theo thống kê của nền tảng số liệu thị trường Metric, trong quý 1/2023, tổng doanh số của 5 sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop là 39 ngàn tỷ đồng. Tổng số shop bán có phát sinh đơn hàng là 413 ngàn, 390 triệu sản phẩm giao hàng thành công, tăng trưởng doanh thu 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
|
Thị phần của Tiki lép vế hơn hẳn so với các sàn TMĐT khác |
Theo Báo cáo Thương mại điện tử 2023 do công ty nghiên cứu thị trường Momentum Works vừa công bố, tổng giá trị giao dịch hàng hóa trên TMĐT năm 2022 tại Việt Nam đạt 9 tỷ USD. Trong đó, giá trị giao dịch hàng hóa trên Shopee chiếm tới 63% tổng GMV toàn thị trường, đạt khoảng 5,67 tỷ USD (khoảng 113.245 tỷ đồng). Đứng ở vị trí thứ hai là Lazada, với thị phần tính theo GMV chỉ đạt khoảng 2,7 tỷ USD (khoảng 63.450 tỷ đồng), bằng 1/3 thành tích của Shopee. Tuy nhiên, Tiki chỉ đóng góp 6% vào tổng GMV của TMĐT Việt Nam, tương ứng 540 triệu USD.
Ngay cả nền tảng TikTok Shop dù mới ra mắt hơn 1 năm qua nhưng cũng đã tiến sát tới thành tích của Tiki, với tổng GMV đạt khoảng 360 triệu USD.
Phân tích trong báo cáo Momentum Works, chuyên gia đã phân tích thế khó trong mô hình hoạt động của Tiki. Nếu như Shopee đang tập trung vào mô hình 3P (third party) - các nhà bán hàng bán trực tiếp tới tay người dùng thì Tiki duy trì cả hai hình thức 3P và 1P. Trong đó, 1P là mô hình mà Tiki vừa nhập hàng, kiểm soát giá, bán hàng và vận chuyển tới tay khách hàng (gọi là Tiki Trading). Mô hình 1P này khá tương tự với cách thức của Amazon.
GMV từ 1P chiếm tới 45% tổng GMV của Tiki. Mô hình 1P giúp Tiki kiểm soát chất lượng hàng hóa trên sàn – điều đã trở thành thương hiệu của nền tảng TMĐT này.
Tuy nhiên, mô hình 1P cũng bộc lộ nhiều điểm yếu. Việc GMV đến quá nhiều từ 1P tại một thị trường TMĐT ở giai đoạn sớm (early stages) khiến Tiki tốn nhiều chi phí, trong khi việc mở rộng quy mô lại bị hạn chế. Thêm vào đó, việc tự nhập hàng - tự bán dẫn đến tính đa dạng sản phẩm/người bán thấp hơn nhiều so với các nền tảng Marketplace khác như Shopee hay Lazada.
Trong mắt của những người dùng mạng xã hội, Tiki cũng có vẻ lép vế hơn so với Shopee và Lazada, trong khi Tiktok Shop (vừa ra đời cách đây hơn 1 năm) đang bám đuổi sít sao.
Theo thống kê từ Reputa, Shopee đang đứng đầu trong top 5 sàn thương mại điện tử phổ biến nhất trên mạng xã hội, kế đó là Lazada. Tiki xếp vị trí số 3, còn Tiktok Shop xếp thứ 4.
Tiki, hiện theo đuổi cả mô hình B2B và B2C, chia tổng doanh thu của mình thành 2 phần: doanh số bán hàng và doanh số dịch vụ. Trong đó, doanh số bán hàng chiếm tới 88% tổng doanh thu trong năm tài chính 2022.
Điều đáng chú ý là trong mảng dịch vụ, lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất là quảng cáo, tăng 131% so với năm tài chính 2021. Tuy nhiên, mảng này chỉ chiếm 2% tổng doanh thu của công ty.
Minh Châu (t/h)