Tham gia thị trường chứng khoán gần 10 năm nay, chị Phương (Hà Nội) chia sẻ chưa bao giờ cảm thấy ngán ngẩm với hệ thống giao dịch như hiện tại, kể cả thời điểm Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) gặp sự cố nghiêm trọng phải tạm đóng cửa 2 ngày vào năm 2018.
Là nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm trên thị trường, phương châm đầu tư của chị Phương là "mua đỏ, bán xanh". Với những phiên giảm mạnh của thị trường như vào cuối tháng 1, chị xem đó là cơ hội vàng để mua vào cổ phiếu giá thấp.
Tuy nhiên, việc HoSE nghẽn lệnh, bảng điện rơi vào trạng thái "đơ" khiến chị vuột mất nhiều cơ hội mua cổ phiếu giá tốt do không thể xác định được giá khớp chính xác để đặt lệnh.
Mất cơ hội
"Tôi rất hoang mang khi nghe những ý tưởng như nâng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu/lệnh hay không cho phép hủy, sửa lệnh để giảm tải cho hệ thống. May là các đề xuất này chưa được áp dụng", chị Phương than thở.
Với kinh nghiệm đầu tư là con số 0, Minh Tú (TP.HCM) mới mở tài khoản từ tháng 2, chủ yếu nghe theo thông tin "phím hàng", tập trung theo dõi các cổ phiếu theo phong cách lướt sóng ngắn hạn.
Tuy nhiên, do công việc chính bận rộn, thời gian duy nhất trong ngày có thể tập trung theo dõi thị trường của chị Tú là đầu giờ chiều khi nghỉ trưa ở cơ quan. Nhưng mấy tháng qua, HoSE liên tục nghẽn lệnh vào phiên chiều khiến chị nản lòng.
“Buổi sáng không có thời gian còn đến chiều thì khó mua bán. Các cổ phiếu lướt sóng chỉ cần không kịp bán hôm nay có thể ngày mai đã chuyển từ lãi sang lỗ nên tôi vẫn chưa dám tham gia thị trường", nhà đầu tư F0 này than thở.
Giám đốc phân tích một công ty chứng khoán có hội sở tại TP.HCM cho rằng một hậu quả của việc nghẽn lệnh là hiện tượng lệnh vào hệ thống của HoSE chậm dẫn đến bảng điện đơ trong một vài phiên thị trường điều chỉnh mạnh.
Nhà đầu tư khi đó không biết bán giá nào và chọn dùng lệnh ưu tiên khớp (MP). Hậu quả là dẫn đến lực bán tháo trên toàn thị trường và giá cổ phiếu giảm sâu.
Nhà đầu tư vẫn gánh chịu mọi khoản phí
Trao đổi với Zing, tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, giảng viên cấp cao ĐH Bristol tại Anh, cho biết trên thế giới, khi các sở giao dịch gặp lỗi, ủy ban chứng khoán của quốc gia đó sẽ tiến hành phạt tiền hoặc lãnh đạo sở giao dịch phải từ chức.
Tiến sĩ Tuấn lấy ví dụ trường hợp Sở Giao dịch New York (NYSE) bị Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) phạt 14 triệu USD vì lỗi giao dịch trong suốt 3,5 giờ vào năm 2018.
Gần đây, chủ tịch của Sở giao dịch Tokyo từ chức hồi tháng 11/2020 để nhận trách nhiệm vì để xảy ra sự cố ngừng giao dịch trong tháng 10. Một vài quan chức khác của sở này phải xin giảm lương 50% trong nhiều tháng để nhận trách nhiệm, dù không bị buộc từ chức.
|
Chủ tịch Sở giao dịch Tokyo Koichiro Miyahara từ chức tháng 11/2020. Ảnh: Reuters. |
“Trong điều kiện của Việt Nam, đây không phải là lần đầu tiên hệ thống gặp trục trặc nhưng là lần đầu vấn đề nghiêm trọng như vậy và chưa có tiền lệ. Theo cách hành xử của Mỹ và Nhật, thì hoặc là Ủy ban Chứng khoán đã phạt HoSE hoặc phải có người từ chức”, tiến sĩ Tuấn nêu quan điểm.
Về vấn đề bồi thường tổn thất, ông lấy trường hợp hãng môi giới và quản lý tài sản Hargreaves Lansdown gặp trục trặc ở hệ thống giao dịch khiến nhiều nhà đầu tư đã giao dịch trùng nhiều lần dẫn đến thiệt hại vào tháng 11/2020.
Nhiều khách hàng yêu cầu Hargreaves Lansdown bồi thường và công ty này xử lý bằng cách khởi tạo lại vị thế và xóa đi những lệnh giao dịch trùng. Những tổn thất có liên quan công ty sẽ chịu và giải quyết với trung tâm thanh toán.
Từ trường hợp này, tiến sĩ Tuấn cho rằng nhà đầu tư tại Việt Nam nếu kiện hoặc thương lượng đòi bồi thường tổn thất thì công ty chứng khoán phải trực tiếp làm việc với họ. Sau đó, công ty chứng khoán sẽ tính toán lại những tổn thất với sở giao dịch vì vấn đề xuất phát ở phía sở. Sở giao dịch cung cấp dịch vụ cho công ty chứng khoán còn các công ty cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư.
Theo ông, dù thị trường Việt Nam có nhiều yếu tố khác với các nước khác, nhưng cũng không thể tránh khỏi lý lẽ bên cung cấp dịch vụ phải bồi thường tổn thất nhất định cho nhà đầu tư. Đây là vấn đề cơ bản trong quan hệ giữa bên cung cấp dịch vụ với khách hàng. Ai bồi thường cho ai thì phải làm rõ ai là khách hàng của ai.
Tiến sĩ Tuấn nhấn mạnh trong trường hợp HoSE nghẽn lệnh kéo dài, cách hành xử hợp lý là phải xác định rõ trách nhiệm của sở giao dịch này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và công ty chứng khoán với nhà đầu tư.
“Nhà đầu tư là người gánh chịu cuối cùng của đủ mọi khoản phí dịch vụ, cần được đối xử như một khách hàng. Nếu nhà cung cấp dịch vụ tắc trách thì cần có lời xin lỗi và một cam kết bồi thường hợp lý. Đây là mối quan hệ giữa khách hàng nhà cung cấp cơ bản ở mọi nền kinh tế thị trường”, tiến sĩ Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng sở giao dịch tắc trách, Ủy ban Chứng khoán cần phải có hành động xử phạt hợp lý để giữ đúng vai trò giám sát của mình. Như ở Mỹ, SEC từng phạt NYSE nhiều lần và hiện NYSE cũng đang kiện SEC vì cảm thấy SEC lạm dụng quyền hạn.
“Ai đúng ai sai, trách nhiệm tới đâu phải làm rõ ràng thì mới là tôn trọng nhà đầu tư. Không có nhà đầu tư thì không có thị trường chứng khoán”, tiến sĩ Tuấn kết luận.
Theo Việt Đức/Zing