Cỏ hoa vàng là giống cây mọc dại, dễ dàng bắt gặp ở các vùng nông thôn Việt Nam. Không nhiều người biết rằng đây là 1 loại dược liệu quý trong Đông y.
Loài thực vật này còn có tên gọi khác là cỏ cam. Cây thường có hoa vàng và thân tím (ở miền Bắc) hoặc thân xanh (ở miền Nam). Không giống nhiều loại cỏ khác, cỏ hoa vàng là thực vật nửa ký sinh. Chúng có khả năng sinh sôi và phát triển rất mạnh, một cây có tới hàng trăm nghìn hạt giống. Hạt giống sau khi trưởng thành sẽ phát tán theo gió và ký sinh trên rễ của các cây họ lúa. Từ đó, chúng sẽ khai hoa kết quả và bắt đầu 1 chu kỳ sinh trưởng mới.
Nếu ruộng không có lúa, hạt giống cỏ hoa vàng sẽ nằm yên trong đất để chờ lúa xuất hiện. Chúng vốn là thứ hút hết chất dinh dưỡng cần thiết cho lúa, gây ảnh hưởng tới sự phát triển của cây trồng nhà nông. Nhưng vì sao giống thực vật có hại này lại được mệnh danh là “loại cỏ vàng”?
Tất nhiên, chuyện gì cũng có lý do của nó. Đầu tiên, cỏ hoa vàng có tính ứng dụng cao trong việc bảo vệ và hỗ trợ sức khỏe. Chúng có công dụng chữa chứng biếng ăn, thải độc cho cơ thể (nếu dùng làm trà uống), hỗ trợ chữa đau mắt, mắt kém. Thông thường, người ta sẽ đun cỏ hoa vàng để làm nước uống, ngoài ra cũng có thể kết hợp với các thảo dược khác để có tác dụng tốt hơn.
Ở Việt Nam, bạn có thể mua cỏ hoa vàng phơi khô trên chợ mạng với giá khoảng 200.000 đồng/100g. Còn ở Trung Quốc, bạn sẽ phải bỏ ra khoảng 400 NDT/100g, tương đương hơn 1,4 triệu đồng/100g.
Cỏ hoa vàng tươi và khi sấy khô
Theo Hương Nguyễn / Dân Việt