Ngân hàng "quay xe", thầy giáo khởi nghiệp đứng bên bờ vực
Gặp anh Lê Trường Tùng (49 tuổi, ở thôn 2, xã Trung Thành, huyện Nông Cống, Thanh Hóa), Giám đốc công ty cổ phần chế biến nông sản Trung Thành khi anh đang tất bật cho những đơn hàng mới. Dù đạt được không ít thành quả trong lĩnh vực của mình, song hơn 6 năm qua, anh Tùng vẫn không quên những khó khăn khi quyết định khởi nghiệp.
|
Anh Lê Trường Tùng, thôn 2 xã Trung Thành, thành công với chế biến các loại nông sản như dứa, dưa bao tử, cà chua, ngô ngọt, vải thiều,… xuất khẩu sang thị trường các nước Nga, Pháp, Hàn Quốc (Ảnh: Hạnh Linh).
|
Anh Tùng kể bản thân tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm tiểu học rồi công tác giảng dạy ở một trường cấp 1 trên địa bàn huyện Nông Cống. Lương giáo viên ngày ấy không thể nuôi sống được bản thân, gia đình buộc anh phải xoay xở. Từng làm thêm nhiều nghề nhưng nghề nào cũng không phù hợp, anh cũng từng loay hoay tính toán đầu tư, không biết phải bắt đầu từ đâu.
Cơ duyên đến khi anh đọc báo thấy nguồn thông tin hàng nông sản người nông dân quê mình làm ra đều xuất khẩu thô, giá trị không cao, thậm chí có thời gian không thể bán vì nước bạn đóng cửa khẩu, đành để đổ bỏ.
|
Dứa được gọt vỏ, bỏ mắt, rửa sạch rồi thái thành lát vừa vặn để đóng hộp (Ảnh: Hạnh Linh).
|
"Là người sinh ra từ đồng lúa, vựa khoai, yêu mảnh đất quê, tôi suy nghĩ phải làm gì để "giải cứu" nông sản. Ý nghĩ ấy thôi thúc tôi bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp", anh Tùng nói.
Sau thời gian "thai nghén", năm 2017, anh Tùng quyết định thuê 5.000m2 đất tại thôn 3, xã Trung Thành, huyện Nông Cống, với thời hạn 50 năm để làm nhà xưởng. Anh vay mượn người thân, bạn bè để mua máy móc, đầu tư hết gần 20 tỷ đồng.
Làm xưởng hết tiền, không còn vốn để nhập nguyên vật liệu, không còn chỗ xoay, anh Tùng làm đề án để vay vốn ngân hàng. Những tưởng ngân hàng sẽ duyệt và cho vay vốn nhưng khi đọc đơn của anh, cán bộ ngân hàng lắc đầu, "quay xe" với lý do không tin tưởng ngành nghề anh Tùng đầu tư sẽ đem lại hiệu quả.
|
Những lát dứa đạt yêu cầu sẽ được lựa chọn xếp vào hộp (Ảnh: Hạnh Linh).
|
"Họ đưa ra dẫn chứng rằng có người ở huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa thất bại vì đầu tư vào dứa, không trả được nợ, vỡ nợ. Đứng bên bờ vực, lo lắm nhưng quyết không bỏ cuộc, tôi bắt đầu tìm hiểu, tiếp cận với các nguồn vay khác. May thay, tôi biết đến nguồn vốn vay trong chương trình "Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp" của tỉnh đoàn Thanh Hóa", anh Tùng kể.
Có vốn 1 tỷ đồng từ nguồn này, anh Tùng nhanh chóng nhập dứa về chế biến. Nhà máy, công nhân làm việc ngày đêm. Sản phẩm dứa đóng hộp của anh sau đó được các công ty thương mại trong ngoài tỉnh biết đến, đặt hàng. Chuyến hàng đầu tiên của công ty với 15 đơn hàng, lãi cao, anh Tùng vỡ òa cảm xúc.
Cùng bà con nông dân làm giàu
Trong một vài năm đầu, anh Tùng vận hành nhà máy bằng nguyên liệu duy nhất là dứa. Song dứa có theo mùa, chỉ làm được từ tháng 6 đến tháng 10. Không chịu để máy nghỉ, công nhân không có việc làm, anh tìm hiểu và làm thêm dưa bao tử, cà chua, ngô ngọt, vải thiều…
|
Công ty của anh Tùng tạo công ăn việc làm cho 70 lao động địa phương, mức thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng (Ảnh: Hạnh Linh).
|
Công ty xây dựng vùng nguyên liệu 50ha tập trung ở 4 xã: Trung Thành, Công Chính, Yên Mỹ, Tượng Sơn (huyện Nông Cống), tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con trồng các loại nông sản. Công ty cũng đấu mối nhập nguyên liệu từ tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang, Nghệ An, Ninh Bình,…
Sản phẩm ngô ngọt, dứa, dưa bao tử đóng hộp của anh được công nhận là sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm thế mạnh) 4 sao của tỉnh Thanh Hóa năm 2022. Sản phẩm của công ty được xuất khẩu đi các nước Nga, Anh, Pháp, Ba Lan và các nước châu Á như Hàn Quốc với số lượng hàng chục tấn mỗi năm.
|
Người lao động có công việc, thu nhập ổn định (Ảnh: Hạnh Linh).
|
Theo anh Tùng, sản phẩm xuất khẩu sang các nước đặc biệt là khu vực châu Âu yêu cầu khắt khe từ chất lượng đến mẫu mã. Kinh doanh có nhiều lúc thăng trầm, cốt yếu là người làm phải có niềm tin vào sự lựa chọn.
Thời điểm trước năm 2020, công ty làm ăn thuận lợi, tiền lãi thu về lớn. Năm 2021, doanh thu cũng hơn 65 tỷ đồng nhưng đến năm 2022, số lượng đơn hàng ít, doanh số sụt giảm còn 38 tỷ đồng và quý 1 năm 2023 chỉ được hơn 6 tỷ đồng. Khó khăn lớn nhất với anh Tùng lúc này là tìm nơi tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm.
"Phải thay đổi hình thức bán hàng và mở rộng thị trường tiêu thụ. Tôi đã chuyển sang nghiên cứu cách bán hàng trực tiếp, không thông qua doanh nghiệp trung gian nữa. Dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục giấy tờ nhưng những chuyến hàng đầu tiên của tháng 5 đã xuất ngoại", anh Tùng nói về tín hiệu khởi sắc.
|
Mô hình khởi nghiệp giúp anh Tùng vững vàng "nuôi" nghề giáo (Ảnh: Hạnh Linh).
|
Ông Lê Văn Xuân - Phó chủ tịch UBND xã Trung Thành, huyện Nông Cống cho biết, hiện công ty của anh Tùng đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 70 lao động địa phương, mức thu nhập 6-8 triệu đồng/người/tháng.
Xã cũng có hơn 10 hộ ở thôn Yên Dân canh tác trên 6ha trồng dưa bao tử, ngô ngọt phục vụ cho nhà máy. Nông sản của bà con làm ra được thu mua với giá cao, mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Theo Hạnh Linh/Dân trí